Văn hóa

Sáng tạo nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật hay, góp phần chấn hưng văn hóa

Hội thảo "Tiếp tục đổi mới, sáng tạo tác phẩm hay góp phần chấn hưng và phát triển văn hóa, văn nghệ đất nước" có sự tham dự của văn nghệ sỹ nhiều thế hệ.

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Phương Hà)

TTXVN - Ngày 17/10, tại Hà Nội, Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo "Tiếp tục đổi mới, sáng tạo tác phẩm hay góp phần chấn hưng và phát triển văn hóa, văn nghệ đất nước". Tham dự sự kiện có đại diện lãnh đạo các hội văn học nghệ thuật, chuyên ngành Trung ương, một số hội văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố và nhà nghiên cứu, văn nghệ sỹ… thuộc nhiều thế hệ.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam nhấn mạnh: Tại lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam ngày 25/7 tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo, khẳng định và đánh giá cao đóng góp của đội ngũ trí thức nghệ sỹ hiện nay đã góp phần quan trọng vào sự ổn định chính trị của xã hội, sự phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng lưu ý, những thành tựu văn học nghệ thuật mà chúng ta đã đạt được trong những năm qua chưa thật tương xứng với sự nghiệp đổi mới của đất nước. Chất lượng chưa hài hòa với số lượng. Chưa có nhiều tác phẩm tạo được sự thu hút, sự quan tâm rộng lớn của công chúng và có sức lan tỏa làm rung động lòng người. Còn ít những tác phẩm đỉnh cao, văn nghệ sỹ lớn…

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo nhằm tháo gỡ những điểm chưa thanh thoát, thúc đẩy văn học, nghệ thuật vượt qua khỏi sự trì trệ mà vươn lên phát triển với một khởi sắc mới, niềm tin mới, không khí hào hứng, góp phần chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người mới trong thời đại hôm nay. Hội thảo tập trung làm rõ một số vấn đề như: Vì sao văn học, nghệ thuật Việt Nam tuy đã có thành tựu đáng ghi nhận, biểu dương, nhưng vẫn còn ít tác phẩm đỉnh cao, ít văn nghệ sỹ lớn, có tầm cỡ như những giai đoạn trước kia? Làm thế nào để có những tác phẩm hay, đáp ứng kỳ vọng của công chúng yêu văn học nghệ thuật…

Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Hồng Quân, để có những tác phẩm văn học nghệ thuật hay, trước hết cần phát hiện, bồi dưỡng và tạo điều kiện tốt nhất cho tài năng phát triển, bởi tài năng là vốn quý nhất, hiếm có của người nghệ sỹ. Những văn nghệ sỹ tài năng lao động nghệ thuật tận hiến để trở thành những văn nghệ sỹ trí thức - chiến sỹ - công dân ưu tú, có thêm được nhiều tác phẩm hay, để đời, có giá trị sâu sắc, cao đẹp về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh chân thật, sâu sắc toàn diện hiện thực của đất nước, soi chiếu tâm hồn, tính cách tốt đẹp của con người Việt Nam, góp phần bồi đắp nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, củng cố niềm tin cao cả của dân tộc, niềm tin vững chắc vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, chấn hưng sự nghiệp văn hóa, văn nghệ.

Các đại biểu dự hội thảo đã thảo luận, chia sẻ nhiều kinh nghiệm, đề xuất giải pháp hữu hiệu, nhiệm vụ cấp bách nhằm đổi mới sáng tạo các tác phẩm hay, góp phần chấn hưng sự nghiệp văn hóa, văn nghệ của đất nước; kiện toàn tổ chức hội các cấp, đào tạo cán bộ quản lý hội văn nghệ đáp ứng đòi hỏi cao về phẩm chất và năng lực chuyên môn, năng lực quản lý. Bên cạnh đó, các đại biểu đề cập đến việc chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng thế hệ văn nghệ sỹ trẻ thành nguồn cán bộ đủ sức đảm đương kế tục và phát triển sự nghiệp. Nhiều ý kiến cũng nêu vấn đề cần hoàn thiện các chế độ, chính sách đãi ngộ văn nghệ sỹ, tôn vinh lao động nghệ thuật đích thực, đề cao những tác phẩm công phu, tâm huyết, tài năng; kiến tạo môi trường xã hội, văn hóa thuận lợi để văn nghệ sỹ khởi nghiệp, phát triển tài năng, tạo lập uy tín, thương hiệu nghề nghiệp đẳng cấp quốc gia, vươn lên tầm khu vực quốc tế.

Song song với việc đổi mới sáng tạo, nhiều ý kiến đại biểu cũng nêu đề nghị khắc phục kịp thời những mặt hạn chế, yếu kém trong sáng tác, lý luận phê bình văn học, nghệ thuật. Cùng với đó là việc hoàn thiện thống nhất tổ chức bộ máy và hoạt động đi vào nền nếp của Liên hiệp cùng với các tổ chức thành viên ở Trung ương, địa phương, góp phần xây dựng, phát triển nền văn học nghệ thuật đa dạng, phong phú, hòa nhịp với khát vọng chấn hưng đất nước lên tầm cao mới./.


Phương Hà

Xem thêm