Chính phủ hành động

Chính quyền địa phương 2 cấp: Không để chậm trễ những nội dung liên quan trực tiếp đến người dân

Hà Tĩnh

Từ ngày 1/7, có 69 xã phường của Hà Tĩnh chính thức đi vào vận hành theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp bảo đảm hoạt động thông suốt, phục vụ công dân giải quyết thủ tục hành chính.

Trung tâm phục vụ hành chính công phường Thành Sen, Hà Tĩnh.
Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN

Từ ngày 1/7, có 69 xã phường của Hà Tĩnh chính thức đi vào vận hành theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Đến nay, sau hơn nửa tháng đi vào hoạt động, dù khối lượng công việc rất lớn, các đơn vị đã hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí cơ sở vật chất, bảo đảm hoạt động thông suốt, phục vụ công dân giải quyết thủ tục hành chính. Đặc biệt, đội ngũ lãnh đạo các xã, phường mới đều thể hiện tinh thần gần dân, sát dân, phục vụ người dân ngày một tốt hơn.

* Đổi mới tư duy phục vụ nhân dân

Phường Thành Sen là đô thị trung tâm của tỉnh Hà Tĩnh, được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ địa giới hành chính các phường Bắc Hà, Thạch Quý, Tân Giang, Thạch Hưng, Nam Hà, Trần Phú, Hà Huy Tập, Văn Yên và một phần phường Đại Nài. Phường có diện tích tự nhiên 28,23km², dân số 90.983 người, 80 tổ dân phố.

Những ngày qua, Trung tâm phục vụ hành chính công phường Thành Sen mỗi ngày đón hàng trăm lượt người đến giải quyết thủ tục hành chính. Với tinh thần “vì dân phục vụ”, cán bộ, công chức, người lao động phường Thành Sen luôn nỗ lực hết mình, nhanh chóng bắt tay vào công việc, không để bị gián đoạn trong quá trình tiếp nhận, giải quyết các thủ tục cho người dân.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công phường Thành Sen, đến nay, tổng số hồ sơ tiếp nhận trên cổng dịch vụ công quốc gia của phường là 474 hồ sơ, trong đó đã xử lý 258 hồ sơ, không có hồ sơ quá hạn. Tuy khối lượng công việc nhiều nhưng đội ngũ cán bộ tại Trung tâm luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, niềm nở, giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính cho người dân.

Có mặt tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Thành Sen để giải quyết thủ tục hồ sơ hành chính về trợ cấp hưu trí, bà Trần Thị Tuệ, 75 tuổi, người dân tổ dân phố 9 bày tỏ, mặc dù bộ máy mới vận hành nhưng bà rất vui mừng khi thấy sự thay đổi rõ nét trong cách phục vụ người dân, thủ tục rõ ràng, quy trình minh bạch, cán bộ niềm nở, tận tình. Đặc biệt với nhóm đối tượng yếu thế, người cao tuổi như bà còn được đoàn viên, thanh niên hướng dẫn quy trình, thủ tục rất nhiệt tình.

Tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã miền núi Phúc Trạch (Hà Tĩnh), mỗi ngày đón tiếp hơn 70 lượt người dân đến thực hiện các thủ tục hành chính.
Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN

Xã miền núi Phúc Trạch được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 đơn vị, gồm các xã Hương Trạch, Phúc Trạch và Hương Liên. Xã có diện tích 201,42km2, quy mô dân số 18.135 người, 29 thôn, bản. Là địa bàn rộng, chủ yếu là miền núi, đặc biệt nơi đây có bản Rào Tre là nơi sinh sống của đồng bào Chứt, người dân còn hạn chế trong nắm bắt các thủ tục. Vượt lên những khó khăn, mỗi cán bộ, công chức đều phát huy tinh thần trách nhiệm, không để việc phục vụ nhân dân bị gián đoạn.

Ông Dương Ngọc Hoàng, Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch cho biết, ngay sau khi công bố mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, toàn hệ thống chính trị xã đã khẩn trương triển khai công việc, với quan điểm tổ chức thực hiện nhiệm vụ ngay, không để chậm trễ, không để trống nhiệm vụ, nhất là những nội dung liên quan trực tiếp đến người dân. Hiện bộ máy hành chính của xã vận hành nhịp nhàng, thông suốt. Mỗi cán bộ, công chức đều xác định rõ trách nhiệm, giữ vững kỷ cương, kỷ luật hành chính, thể hiện tinh thần phục vụ nhân dân.

Theo đó, mỗi ngày Trung tâm phục vụ hành chính công xã Phúc Trạch tiếp nhận và hướng dẫn cho hơn 70 lượt người dân đến làm các thủ tục hành chính. Từ khi xã mới đi vào vận hành đến nay đã tiếp nhận và xử lý hơn 104 hồ sơ cho người dân, không để xảy ra tình trạng chậm hay quá hạn.

Ông Lê Đình Hiệu, thôn Tân Hương, xã Phúc Trạch đến Trung tâm phục vụ hành chính công xã để làm thủ tục hành chính liên quan đến đất đai. Trước đây, để làm các thủ tục này, ông phải lên trung tâm huyện, cách xa hơn 15km, bây giờ lên xã, khoảng cách rút ngắn chỉ còn 5km. Thái độ làm việc của cán bộ rất niềm nở, hướng dẫn chu đáo, thủ tục được giải quyết nhanh chóng nên ông rất hài lòng.

*Phát huy tinh thần gần dân, sát việc

Đoàn viên thanh niên phường Thành Sen có mặt tại Trung tâm phục vụ hành chính công để hỗ trợ người dân giải quyết các thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công trực tuyến.
Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN

Không chỉ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân nhanh chóng, tinh thần “gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ” cũng được lãnh đạo các xã, phường mới thể hiện rõ nét.

Tại phường Thành Sen, Đảng ủy phường nhanh chóng tổ chức Hội nghị Thường trực Đảng ủy phường làm việc với 80 tổ dân phố trên địa bàn. Phường khẩn trương triển khai tổ công tác đến các khu dân cư để gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và phản ánh thực tiễn từ người dân.

Ông Nguyễn Văn Chung, Chủ tịch UBND phường Thành Sen nêu rõ, lãnh đạo phường đã lắng nghe tâm tư, ý kiến của đại diện các bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố… để tìm giải pháp tháo gỡ kịp thời hạn chế, tồn tại. Phường cho ra mắt các kênh trên nền tảng số, mạng xã hội Zalo ghi nhận, nắm bắt phản ánh, kiến nghị của người dân.

Ông Trần Quang Tuấn, Bí thư Đảng ủy phường Thành Sen nhấn mạnh, phường xác định các tổ công tác sẽ là “cánh tay nối dài” của Đảng ủy phường đến khu dân cư, tổ dân phố. Các tổ công tác sẽ làm việc với chi bộ ở địa bàn phụ trách để cung cấp, tiếp nhận và xử lý thông tin, triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới. Thông qua các tổ công tác, lãnh đạo phường kịp thời nắm bắt thông tin từ cơ sở, gỡ điểm nghẽn để tìm hướng phát triển.

Với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ từ cấp tỉnh cho cấp xã đã góp phần định hình rõ hơn trách nhiệm, năng lực xử lý đội ngũ cán bộ cấp xã phường; tạo ra áp lực nhưng cũng là động lực để cấp xã tự đổi mới.

Ngay sau khi nhận nhiệm vụ mới, lãnh đạo xã Phúc Trạch (Hà Tĩnh) khảo sát tiềm năng, lợi thế, dư địa tăng trưởng của địa phương, từ đó định hướng phát triển phù hợp.
Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN

Tại xã miền núi Phúc Trạch, ngay khi vừa đảm nhận nhiệm vụ mới, lãnh đạo xã bắt tay ngay vào việc khảo sát tiềm năng, lợi thế, dư địa tăng trưởng của địa phương, từ đó định hướng phát triển phù hợp.

Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch Dương Ngọc Hoàng bày tỏ, là địa phương nổi tiếng với đặc sản bưởi Phúc Trạch, trầm hương và có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch xanh, du lịch cộng đồng. Khi 3 xã nhập lại thành xã mới, bên cạnh việc kế thừa thành tựu của các tiền bối, đội ngũ lãnh đạo xã đang trăn trở tính toán trong việc quy hoạch lại không gian phát triển của địa phương, mở rộng không gian phát triển đối với những cây chủ lực, kêu gọi nhà đầu tư để phát triển tiềm năng du lịch, tạo việc làm, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Dù đã gặt hái thành quả đáng ghi nhận trong công cuộc tái cấu trúc và vận hành chính quyền cấp xã, Hà Tĩnh vẫn đứng trước muôn vàn thử thách. Việc mở rộng địa giới hành chính kéo theo gánh nặng công việc chồng chất, đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải dốc sức gấp đôi trong quỹ thời gian eo hẹp. Quyền hạn được trao lớn hơn cũng đồng nghĩa với trách nhiệm nặng nề hơn, đặc biệt khi phải đương đầu với những vấn đề tồn đọng đã lâu, thậm chí là thách thức chưa từng có tiền lệ. Đây chính là thước đo năng lực, bản lĩnh của những người “công bộc” trong bộ máy chính quyền mới. Thực tiễn vận hành tiếp tục là thước đo, giúp các cấp chính quyền kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ vướng mắc, hoàn thiện bộ máy, bảo đảm bộ máy mới hoạt động thông suốt, hiệu quả, vì mục tiêu phục vụ nhân dân tốt hơn./.

 

Hoàng Thị Ngà

Tin liên quan

Xem thêm