Họp báo Chính phủ thường kỳ: Ba ngày thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, Trung tâm phục vụ hành chính công hoạt động thông suốt
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, về cơ bản các thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp đã được ban hành sớm, quy định rõ, cụ thể và được vận hành ngay.
Chiều 3/7, thông tin tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025 về việc thực hiện thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp từ ngày 1/7, khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà cho biết, theo thẩm quyền, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 28 nghị định phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương, giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã. Các bộ đã ban hành 58 thông tư, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Các nghị định đã quy định đầy đủ thủ tục hành chính đi kèm, trong đó làm rõ thẩm quyền, thành phần hồ sơ, thời gian, chi phí, biểu mẫu hành chính để thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận và thực thi ngay kể từ ngày 1/7/2025.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, đã phân cấp, phân quyền từ Trung ương xuống địa phương 556 thủ tục hành chính. Cụ thể, UBND tỉnh 262 thủ tục hành chính, Chủ tịch UBND tỉnh 217 thủ tục hành chính, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh 70 thủ tục hành chính. UBND xã 6 thủ tục hành chính, Chủ tịch UBND xã 1 thủ tục hành chính và bãi bỏ 24 thủ tục hành chính. Đồng thời, phân định thẩm quyền giải quyết 346 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện, trong đó chuyển thẩm quyền giải quyết lên cấp tỉnh là 18 thủ tục, chuyển xuống cấp xã 278 thủ tục hành chính và bãi bỏ 50 thủ tục hành chính. Như vậy, tổng số thủ tục hành chính sau khi phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền thì cấp tỉnh 2.161 thủ tục hành chính, cấp xã 463 thủ tục hành chính và bãi bỏ 74 thủ tục.
Sau khi Nghị định được ban hành, các bộ, cơ quan ngang bộ đã công bố công khai ngay thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền, bảo đảm thời hạn hoàn thành việc công bố, công khai thủ tục hành chính tại Nghị định trước ngày 20/6/2025.
Cùng với việc công bố công khai các thủ tục hành chính, Thứ trưởng Nội vụ cho hay, một số bộ đã có văn bản gửi các địa phương, hoặc công khai danh mục thủ tục hành chính trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để cung cấp thông tin đến chính quyền địa phương, người dân, doanh nghiệp về tổng thể thủ tục hành chính của bộ, đảm bảo thủ tục hành chính được tiếp cận thuận lợi, nhanh chóng.
Bộ Nội vụ đã xây dựng cẩm nang chính quyền địa phương cấp xã gửi về các địa phương trước ngày 1/7. Nội dung cẩm nang được thiết kế rất thiết thực, thực tiễn, rõ ràng, cụ thể hóa được chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác và xử lý được tình huống phát sinh tại cơ sở, đảm bảo thống nhất và hiệu quả trong tổ chức thực hiện.
Đối với địa phương, bà Nguyễn Thị Hà thông tin, trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan Trung ương, Ban Thường vụ các tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch để triển khai việc tổ chức vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuẩn bị các điều kiện cần thiết, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để phục vụ cho vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Qua đó, giúp cán bộ, công chức tiếp cận ngay được các nhiệm vụ, quyền hạn phải triển khai, đồng thời vận hành, xử lý công việc trên môi trường điện tử thông qua các hệ thống hội nghị trực tuyến của tỉnh, thành phố; phần mềm hệ thống quản lý văn bản của đảng, chính quyền; hệ thống thông tin báo cáo; quy trình tiếp nhận, chuyển giao văn bản đi, đến trong hệ thống cơ quan Đảng, chính quyền; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của một số tỉnh, thành phố tại Trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố thông qua hệ thống tổng đài.
“Về cơ bản các thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp đã được ban hành sớm, quy định rõ, cụ thể và được vận hành ngay, cơ bản thông suốt khi chính quyền đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025”, Thứ trưởng Hà nêu rõ.
Thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, bà Hà cho hay, sẽ tập trung hoàn thiện quá trình giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để giảm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo công khai, minh bạch, thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp ở mọi lúc, mọi nơi.
Thông tin thêm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, vận hành ở Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp xã được hoạt động thông suốt, liên tục. Ngoài việc giải quyết hồ sơ trực tuyến, còn giải quyết trực tiếp. Có hồ sơ được giải quyết trực tuyến, có hồ sơ giải quyết trực tiếp. Ngày 1/7, hồ sơ trực tuyến chiếm 57% và hồ sơ trực tiếp chiếm 43%, số lượng rất nhiều. Ngày 2/7, có khoảng 38 nghìn hồ sơ, trong đó giải quyết trực tuyến chiếm 59,7% và trực tiếp là 40,03%. Ngày 3/7, cập nhật đến 16 giờ, có trên 40.000 hồ sơ, trong đó trực tuyến 59,3%, còn trực tiếp là 40,7%.
Mục tiêu đến hết năm nay, các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được giải quyết trực tuyến, không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh. Hiện, các địa phương đang nâng cấp hệ thống để thực hiện được mục tiêu này.
Đối với Cổng dịch vụ công quốc gia, theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, đến nay chỉ có một cổng duy nhất thay vì 63 cổng như trước đây. Bất cứ thời điểm nào, ở bất cứ nơi nào, người dân chỉ cần sử dụng máy tính, máy tính bảng, hay điện thoại di động có kết nối internet là có thể nộp hồ sơ trực tuyến. Qua Cổng này, các hồ sơ được chuyển đến các Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh và cấp xã để giải quyết theo thẩm quyền.
“Quan trọng nhất là thông qua Cổng dịch vụ công này, người dân theo dõi, giám sát được toàn bộ quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp đều được tập hợp, giải quyết”, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho hay./.