Văn hóa

Nên đầu tư trọng điểm vào một số lĩnh vực của công nghiệp văn hóa

Nên chọn các lĩnh vực điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; du lịch văn hóa; thủ công mỹ nghệ; phần mềm và trò chơi giải trí; thiết kế để tập trung đầu tư, hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030.

Tại Hội nghị, Thủ tướng đánh giá ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế. (Ảnh: TTXVN)

TTXVN - Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam diễn ra sáng 22/12, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình bày báo cáo đánh giá về kết quả triển khai, thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; định hướng, phát triển thời gian tới.

Báo cáo nêu rõ: Công nghiệp văn hóa ở Việt Nam gồm 12 lĩnh vực. Mỗi lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh, giá trị, thị trường và mục tiêu phát triển khác nhau. Với xu thế hướng đến các sản phẩm, dịch vụ dựa trên việc khai thác giá trị văn hóa truyền thống, Việt Nam cần lựa chọn một số lĩnh vực đặc trưng, có nhiều chất liệu để sáng tạo, tôn vinh văn hóa Việt. Đặc biệt, các lĩnh vực cần có dư địa lớn, tiềm năng trở thành sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu đại diện cho hình ảnh quốc gia.

Với một đất nước đang phát triển như Việt Nam, để phát huy được tối đa sức mạnh nội sinh, thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển, các lĩnh vực được lựa chọn để ưu tiên tập trung đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm đến năm 2030 cần đáp ứng được các tiêu chí về khả năng quảng bá văn hóa, hướng đến tôn vinh các yếu tố truyền thống, tiềm năng phát triển vượt bậc khi có sự hỗ trợ từ hệ thống cơ chế, chính sách của Nhà nước; có chất liệu sáng tạo dồi dào dựa trên giá trị văn hóa, vị thế tầm chiến lược gắn với sự phát triển của thời đại.

Nhảy sạp thu hút nhiều du khách tham gia, hưởng ứng. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Việt Nam với đặc điểm về dân số trẻ, năng động, thích nghi nhanh với các xu hướng mới trên thế giới. Do vậy các lĩnh vực nên được lựa chọn để tập trung đầu tư, hỗ trợ phát triển đến năm 2030 gồm điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; du lịch văn hóa; thủ công mỹ nghệ; phần mềm và trò chơi giải trí; thiết kế.

Phương hướng chung đến năm 2030 là phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Phát triển có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phát huy được lợi thế của Việt Nam. Cùng với đó, phát triển công nghiệp văn hóa gắn liền với quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập, hợp tác quốc tế.

Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Mục tiêu đề ra là đến năm 2030, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trở thành ngành kinh tế quan trọng, trong đó tập trung phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế. Việc này để hướng đến đạt mục tiêu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Bên cạnh đó cần xây dựng, phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đa dạng, chất lượng cao dựa trên yếu tố đổi mới, sáng tạo, tôn vinh văn hóa truyền thống và tôn trọng bản quyền. Công nghiệp văn hóa giúp nâng cao giá trị các sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; xác lập thương hiệu cho các sản phẩm, dịch vụ văn hóa.

Đặc biệt, thời gian tới, nước ta hình thành các trung tâm công nghiệp văn hóa trọng điểm, như tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh; định hình, mở rộng và phát triển mạng lưới các thành phố sáng tạo.../.

Thanh Giang

Tin liên quan

Xem thêm