Khảo sát tại hố khai quật, đoàn chuyên gia quốc tế của Trung tâm Di sản Thế giới và các chuyên gia trong nước đánh giá cao khi được tận mắt thấy dưới nền điện Kính Thiên vẫn còn bảo lưu rất tốt các dấu tích kiến trúc của nhiều thời kỳ lịch sử.
TTXVN - Ngày 21/12, tại Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khu vực Chính điện Kính Thiên năm 2023 và kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ từ năm 2011 đến nay tại Hoàng thành Thăng Long, các nhà khoa học khẳng định, công tác khai quật năm 2023 đã đạt được những kết quả khả quan trong việc xác định dấu tích của điện Kính Thiên. Hội nghị do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội và Viện Khảo cổ học tổ chức
Khảo sát tại hố khai quật, đoàn chuyên gia quốc tế của Trung tâm Di sản Thế giới (UNESCO, ICOMOS) và các chuyên gia trong nước đánh giá cao khi được tận mắt thấy dưới nền điện Kính Thiên vẫn còn bảo lưu rất tốt các dấu tích kiến trúc của nhiều thời kỳ lịch sử. Đây chính là cơ sở khoa học có tính xác thực cao trong việc nghiên cứu phục dựng, khôi phục Chính điện Kính Thiên.
Năm 2023, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật thăm dò tại khu vực phía Đông - Bắc di tích nền điện Kính Thiên với tổng diện tích hơn 1.000 m2 tại 3 vị trí: Cục Tác chiến, nền điện Kính Thiên và Hậu Lâu.
Tại hố khai quật mặt Bắc nhà Cục Tác chiến đã xuất lộ một số mảng sân Đan Trì cũng như dấu tích Ngự đạo nối tiếp kết quả khai quật năm 2022, móng nền kiến trúc thời Lý. Tại vị trí trên nền điện Kính Thiên, các hố đào thăm dò được mở trực tiếp trên nền điện Kính Thiên. Đến thời điểm hiện nay, vị trí các hố khai quật thăm dò đã xuất lộ dấu vết kiến trúc thời Nguyễn (thế kỷ XIX - XX), thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVII - XVIII) và thời Lê sơ (thế kỷ XV - XVI). Về cơ bản, cuộc khai quật đã cung cấp hai thông tin quan trọng về cấu trúc và mặt bằng nền móng của Chính điện Kính Thiên thời Lê và thời Lê Trung hưng, thế kỷ XVII - XVIII. Bên cạnh các dấu tích kiến trúc, cuộc khai quật thu được nhiều loại hình di vật gạch, ngói, gốm men, gốm sành liên quan đến quá trình phát triển kiến trúc và đời sống Hoàng cung nơi đây.
Từ năm 2011 đến nay, sau khi Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa thế giới, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã phối hợp với Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và Hội Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật nghiên cứu khu vực trung tâm (khu vực Chính điện Kính Thiên) với tổng diện tích hơn 10.000 m2. Những cuộc khai quật đã thu được kết quả trong việc tìm hiểu các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội; đồng thời thu được nhiều tư liệu mới mang tính xác thực cao góp phần nghiên cứu và khôi phục Chính điện Kính Thiên. Kết quả khai quật đã xác định được hệ thống di tích, di vật phong phú và bước đầu xác định được một phần kết cấu kiến trúc khu vực Chính điện Kính Thiên thời Lê sơ (thế kỷ XV - đầu thế kỷ XVI) và thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVII-XVIII) gồm có: Chính điện Kính Thiên, Ngự đạo, sân Đại Triều, cổng, tường vây và hành lang bao quanh.
Kết cấu tổng thể của không gian được bố cục: Chính điện Kính Thiên ở vị trí cao to nhất được xây dựng ở chính giữa và hơi dịch về phía Bắc. Chính giữa phía Nam là Đoan Môn, cổng chính cuối cùng của Cấm thành Thăng Long. Nối liền giữa Đoan Môn và nền điện Kính Thiên là Ngự đạo dài 136,7 m. Hai bên Ngự đạo có sân Đại Triều diện tích khoảng 12.000 m2. Bốn xung quanh là tường xây phía ngoài. Phía trong tường có hành lang tránh mưa nắng, đan xen là các cổng ra vào.
Các cuộc khai quật cũng phát hiện trên 70 cấu kiện kiến trúc gỗ sơn son thếp vàng 9999 của một kiến trúc gỗ cao tầng thời Lê sơ. Một hệ thống ngói rồng tráng men xanh, men vàng được thể hiện thành một con rồng chạm nổi độc đáo chỉ có ở Thăng Long và Việt Nam. Mô hình kiến trúc đất nung nhiều tầng tráng men ghi lại cấu hình của 1 kiểu mái lợp, 1 kiến trúc gỗ thời Lê sơ có trang trí rồng, sen và 1 thẻ đồng có tên “Cung nữ xuất mãi bài” là thẻ cấp cho cung nữ được phép ra vào nội cung để mua bán.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang cho biết, Trung tâm sẽ phối hợp với Viện Khảo cổ học xây dựng “Chiến lược khảo cổ học tại khu vực trục Trung tâm Hoàng thành Thăng Long”; trong đó, trọng tâm là Chính điện Kính Thiên và không gian Chính điện Kính Thiên. Ngoài ra, đơn vị sẽ nghiên cứu khu vực Nội điện (phía sau điện Kính Thiên) - nơi làm việc hàng ngày của nhà Vua./.