Trưng bày “Vì lợi ích trăm năm trồng người” được thực hiện nhằm thể hiện khái quát tư tưởng, tầm nhìn vượt thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự nghiệp giáo dục Việt Nam.
TTXVN - Trưng bày chuyên đề “Vì lợi ích trăm năm trồng người” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh mở cửa đón khách tham quan từ ngày 21/12/2023 đến 20/4/2024. Trưng bày do Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức, dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhằm phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2023.
Theo Ban tổ chức, trưng bày “Vì lợi ích trăm năm trồng người” được thực hiện nhằm thể hiện khái quát tư tưởng, tầm nhìn vượt thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự nghiệp giáo dục Việt Nam. Qua đó, giới thiệu tới công chúng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với giáo dục, quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp giáo dục trong các chặng đường xây dựng, phát triển đất nước, lan tỏa tinh thần phấn đấu, cống hiến của các thế hệ thế hệ thầy, trò, những người làm công tác giáo dục, cổ vũ họ luôn nỗ lực hết mình, cố gắng học tập, vươn lên trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Với gần 200 ảnh, tài liệu, hiện vật, trưng bày “Vì lợi ích trăm năm trồng người” gồm 3 phần. Phần một có chủ đề “Hồ Chí Minh – người đặt nền móng xây dựng nền giáo dục mới” giới thiệu các tài liệu, hiện vật, thể hiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò của giáo dục đối với sự hưng thịnh của đất nước. Theo Người, “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” và suốt cả cuộc đời, “Người chỉ có một ham muốn, một ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.
Kế thừa và phát huy truyền thống hiếu học quý báu của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người trực tiếp đặt nền móng khai sinh một nền giáo dục mới, cách mạng, toàn diện, với khát vọng đưa dân tộc Việt Nam sánh vai cùng bạn bè quốc tế.
Phần hai có chủ đề “Hồ Chí Minh - Tầm nhìn vượt thời đại” gồm các hình ảnh, tài liệu, hiện vật giới thiệu tới công chúng Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng, nhà lý luận thiên tài của cách mạng Việt Nam. Trong toàn bộ hệ thống tư tưởng của Người, tư tưởng về giáo dục chiếm một vị trí quan trọng, đặt nền tảng trong vấn đề xây dựng nhân tố con người trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Đánh giá cao vai trò của giáo dục trong việc nâng cao dân đức, mở mang dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, Người luôn chăm lo và trực tiếp rèn luyện, đào tạo nên những chiến sỹ cộng sản ưu tú cho dân tộc.
Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục thể hiện một tầm nhìn vượt thời đại, là phương châm, phương pháp cho chủ trương, đường lối chỉ đạo phát triển nền giáo dục Việt Nam của Đảng, Nhà nước ta qua các thời kỳ cách mạng, là những bài học, những kinh nghiệm thực tiễn giáo dục, thiết thực và hiệu quả đối với người làm công tác giáo dục hiện nay.
Phần ba với chủ đề “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” giới thiệu những hình ảnh, hiện vật, tư liệu liên quan đến việc thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chăm lo đến công tác giáo dục. Dưới dự lãnh đạo của Đảng, ngay trong các cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, một nền giáo dục thời đại mới đã được xây dựng, đóng góp vào việc chuẩn bị lực lượng nhân sự vừa có trình độ cao, vừa có bản lĩnh chính trị vững vàng cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Từ khi đất nước tiến hành đổi mới, Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định giáo dục là “quốc sách hàng đầu”, là “động lực của sự phát triển đất nước” và dành nhiều nguồn lực ưu tiên đầu tư cho phát triển sự nghiệp giáo dục nhằm giáo dục -đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ đủ sức gánh vác sứ mệnh đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu thực hiện kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời.
Trưng bày chuyên đề “Vì lợi ích trăm năm trồng người” nhằm giới thiệu đến công chúng di sản và tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự nghiệp giáo dục. Đồng thời, đây cũng là lời tri ân sâu sắc đối với các lớp thế hệ thầy, cô những người làm công tác giáo dục đã vun trồng, bồi đắp tri thức cho biết bao thế hệ học trò Việt Nam./.