Công nghiệp văn hóa là nhóm ngành mới, giá trị gia tăng đóng góp cho nền kinh tế thể hiện là nhóm ngành có lợi thế quốc gia của Việt Nam, góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới.
TTXVN - Ngày 22/12, Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẽ diễn ra tại Trụ sở Chính phủ và được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh thành cùng các bộ ngành liên quan.
Tại hội nghị này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có báo cáo về tình hình triển khai, thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030, trong đó trọng tâm là đánh giá kết quả đạt được trong quá trình triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Qua số liệu ước tính, giá trị tăng thêm (giá hiện hành) của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 ước đạt 5,82%; năm 2019 ước đạt 6,02%.
Năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch, số liệu có sự sụt giảm chỉ còn khoảng 4,32% và 3,92%. Đến năm 2022, các ngành đã bắt đầu phục hồi và giá trị đóng góp có sự tăng trưởng ước đạt 4,04%. Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018 - 2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD).
Giai đoạn 2018 - 2022, bình quân 5 năm, tốc độ tăng trưởng về số lượng cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa ước đạt 7,2%/năm. Năm 2022, thống kê có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến các ngành công nghiệp văn hóa. Lực lượng lao động thuộc các ngành công nghiệp văn hóa tăng khá nhanh, bình quân 5 năm lao động tăng 7,4%/năm.
Năm 2022 thu hút khoảng 2,3 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 4,42% trong tổng lực lượng lao động của nền kinh tế. Xuất nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn 2018 - 2022 tạo ra giá trị xuất siêu, năm 2018 xuất siêu ước đạt 37 tỷ USD, đến năm 2022 xuất siêu tiếp tục tăng, ước đạt 41,9 tỷ USD.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định, Công nghiệp văn hóa là nhóm ngành mới, giá trị gia tăng đóng góp cho nền kinh tế thể hiện là nhóm ngành có lợi thế quốc gia của Việt Nam, góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới. Đây là nhóm ngành có giá trị hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu tăng khá nhanh trong thời gian gần đây. Nhìn chung, các ngành công nghiệp văn hóa có tỷ lệ giá trị gia tăng cao hơn so với chi phí sản xuất, góp phần tiết kiệm tài nguyên, kết hợp, phát huy được các yếu tố tự nhiên, văn hóa, bản sắc dân tộc và đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.
Giai đoạn 2018-2022, các bộ, ngành, địa phương đã kịp thời chỉ đạo và phê duyệt kế hoạch, đề án, quy hoạch liên quan đến phát triển 12 ngành công nghiệp văn hóa; bước đầu đã tạo cơ sở pháp lý, điều kiện cho đầu tư, phát triển một số ngành nghề, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế.
Nhận thức của toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa đã từng bước được nâng cao. Một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã đầu tư, nắm bắt cơ hội, triển khai hình thành các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa để kinh doanh, phát triển, mang lại những lợi ích nhất định về kinh tế, văn hóa, xã hội.
Các ngành công nghiệp có khả năng phát triển nhanh, lâu dài và bền vững, có giá trị tôn vinh văn hóa, bản sắc dân tộc, định vị thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế. Cùng với sự phát triển liên tục của khoa học - công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghiệp văn hóa dựa trên chất liệu cơ bản và quan trọng nhất là sáng tạo. Do vậy, xu hướng phát triển của sản phẩm, dịch vụ trong các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phải đáp ứng được các yếu tố sáng tạo, có bản sắc riêng, mang tính độc đáo, đáp ứng khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế.../.
- Từ khóa:
- Công nghiệp văn hóa
- bản sắc
- truyền thống
- sáng tạo