Văn hóa

Lần đầu tiên tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển công nghiệp văn hóa

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ báo cáo về triển khai, thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy phát biểu tại họp báo. (Ảnh: Thanh Giang/TTXVN)

TTXVN - Sáng 19/12, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức họp báo, thông tin về Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Sự kiện sẽ diễn ra ngày 24/12 tại trụ sở Chính phủ theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu ở các địa phương. Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà sẽ chủ trì, điều hành hội nghị.

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy nêu rõ: Đây là lần đầu tiên Hội nghị về phát triển công nghiệp văn hóa được tổ chức trên quy mô toàn quốc. Bộ đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương về chuẩn bị nội dung, công tác tổ chức sự kiện. Hội nghị sẽ góp phần làm rõ vai trò, tầm quan trọng, sự cần thiết của công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội.

Đây là hoạt động thiết thực triển khai kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, cũng như các văn bản, Nghị quyết chỉ đạo của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, đóng góp tích cực để phát triển đất nước thời gian tới.

Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng, nêu rõ: Công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng, được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Các sản phẩm, dịch vụ của ngành công nghiệp văn hóa đã góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Các ngành công nghiệp văn hoá có tỷ lệ giá trị gia tăng cao hơn so với chi phí sản xuất, góp phần tiết kiệm tài nguyên, phát huy, kết hợp được yếu tố tự nhiên, văn hóa, bản sắc dân tộc, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Bối cảnh một bộ phim quay tại Đà Lạt được giới thiệu tại triển lãm "Đà Lạt-Khơi nguồn cảm hứng điện ảnh.' (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển công nghiệp văn hóa. Đây là hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Tại hội nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ báo cáo về triển khai, thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, trọng tâm là đánh giá kết quả đạt được trong quá trình triển khai Chiến lược, thực trạng phát triển của từng lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp văn hóa (điện ảnh; du lịch văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; quảng cáo; kiến trúc; thiết kế; xuất bản; thời trang; truyền hình và phát thanh; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ).

Trình diễn áo dài tại Lễ hội Áo Dài Du lịch Hà Nội 2023. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Đại diện các bộ, ngành, địa phương, đại biểu một số hội, hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực công nghiệp văn hóa sẽ chia sẻ về kết quả phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Họ chia sẻ những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong quản lý, đầu tư; nêu lên rào cản, thách thức và đề xuất phương hướng, giải pháp và cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Hội nghị cũng là diễn đàn nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường sự liên kết, hợp tác, phối hợp giữa các bên liên quan để chung tay đưa các ngành công nghiệp văn hóa trở thành một trụ cột kinh tế của cả nước. Các đại biểu xác định được phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời gian tới, đặc biệt từ nay đến năm 2030 và các giai đoạn tiếp theo. Trong đó, đơn vị chức năng tập trung hỗ trợ sản xuất các sản phẩm, dịch vụ có tiềm năng phát triển mạnh mang nhiều giá trị Việt, có khả năng quảng bá văn hóa nước ta ra thế giới. Đồng thời, các bên liên quan thúc đẩy ban hành cơ chế, chính sách và giải pháp phát triển, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp để thúc đẩy phát triển; xác định phương hướng Chiến lược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...

Trên cơ sở kết quả hội nghị, Chính phủ, Thủ tướng sẽ có chỉ đạo, định hướng phát triển có trọng tâm, trọng điểm các ngành công nghiệp văn hóa; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố có giải pháp, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam.../.

Thanh Giang

Tin liên quan

Xem thêm