Điện ảnh được coi là một ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn. Tuy nhiên, việc bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam đang gặp phải nhiều khó khăn.
TTXVN- Trong thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, việc giữ gìn, khai thác, phát triển các giá trị văn hóa, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là một nhiệm vụ hàng đầu. Trong đó, điện ảnh - bộ môn nghệ thuật thứ 7 được coi là một ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn. Tuy nhiên, việc bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh nước nhà đang gặp phải nhiều khó khăn vướng mắc.
* Nhiều thách thức
Theo chia sẻ của nhiều đơn vị sản xuất, phát hành phim, với sự bùng nổ của các nền tảng mạng xã hội, vấn nạn vi phạm bản quyền đang diễn ra tràn lan trên không gian mạng, đặc biệt trong lĩnh vực điện ảnh.
Đạo diễn, nhà sản xuất Lương Đình Dũng cho biết, hiện trên mạng có hai bộ phim của anh chỉ cần gõ ra là có, các video, hình ảnh xâm phạm bản quyền xuất hiện vô tội vạ. Đạo diễn, nhà sản xuất phim Võ Thanh Hòa chia sẻ, một trong những vấn đề ảnh hưởng tiêu cực đến nền điện ảnh Việt nói riêng, ngành giải trí nói chung là vi phạm bản quyền. Vài năm trước, bộ phim “Bụi đời Chợ Lớn” của Charlie Nguyễn từng là “nạn nhân” khi bị một số đối tượng tung lên mạng trước thời gian công chiếu; gần đây phim “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” hay “Con nhót mót chồng” đều bị cắt thành nhiều clip nhỏ và phát tán trên mạng xã hội nhằm qua mặt các thuật toán kiểm duyệt… Bộ phim “Siêu lừa gặp siêu lầy” của đạo diễn Võ Thanh Hòa có hàng trăm video cắt từ phim và phát tán trên mạng...
Mới đây, bộ phim “Doctor Lof - Bác sĩ Hạnh Phúc”, được mua bản quyền từ Hàn Quốc và do BHD sản xuất công chiếu ngày 18/5/2023 trên các nền tảng Netflix, DANET và Youtube, nhưng chỉ một thời gian ngắn, phim đã bị các trang web lậu đăng tải, gây bức xúc và thiệt hại rất lớn cho nhà sản xuất và đoàn làm phim.
Trên thực tế, vấn nạn các website lậu ngang nhiên vi phạm bản quyền về phim không còn là câu chuyện mới ở Việt Nam. Thống kê của Cục Điện ảnh cho biết, hiện có tới hàng trăm website phim tiếng Việt đang công khai chiếu hàng chục nghìn bộ phim trên internet trong khi các tác phẩm chưa được chủ các website này mua bản quyền. Mặc dù các cơ quan quản lý đã có nhiều động thái mạnh tay với website vi phạm bản quyền về phim, “đánh sập” nhiều trang web phim lậu nhưng ngay sau đó đã xuất hiện một website khác thay thế với một lớp vỏ (tên miền) khác…
Theo các nhà chuyên môn, vấn nạn xâm phạm bản quyền gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cũng như uy tín cho đội ngũ sáng tạo. Sự thiếu ý thức của khán giả dễ đẩy nhà làm phim vào cảnh trắng tay, thậm chí vỡ nợ.
“Báo cáo nghiên cứu thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong các lĩnh vực văn hóa và sáng tạo tại Việt Nam” do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam công bố cho thấy, điện ảnh là một trong 3 loại hình sản phẩm văn hóa sáng tạo bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhiều nhất (bên cạnh âm nhạc và bản ghi âm, ghi hình) với tỷ lệ lên tới 71,6%. Tuy nhiên, những vi phạm bản quyền vẫn chưa tìm được giải pháp xử lý hữu hiệu. Nhiều nhà sản xuất dù phát hiện tác phẩm của mình bị vi phạm bản quyền, nhưng cũng chỉ biết đưa thông tin lên báo hoặc mạng xã hội, chứ hiếm khi tìm đến cơ quan chức năng hoặc đưa ra tòa. Khi được hỏi, đa số các ý kiến đều cho rằng các chế tài xử lý vẫn chưa đủ sức răn đe hoặc hành vi rất khó xử lý. Ngoài ra, sự phối hợp giữa các bên liên quan và lực lượng chức năng vẫn còn nhiều bất cập nên phần lớn các nhà làm phim tìm cách tự cứu mình bằng cách tuyên truyền, kêu gọi ý thức khán giả.
* Cần một hành lang pháp lý đủ mạnh
Theo Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Phạm Thị Kim Oanh, internet tạo điều kiện cho người dùng có thể truy cập, sử dụng, thậm chí kinh doanh trái phép các tác phẩm điện ảnh, gây thiệt hại cho chủ sở hữu quyền tác giả. Với hàng triệu người sử dụng internet và hàng triệu website như hiện nay, việc kiểm soát các nội dung đăng tải để đảm bảo việc bảo hộ quyền tác giả là vô cùng khó khăn.
Tình trạng xâm phạm quyền tác giả, tác phẩm đối với phim chiếu rạp, phim truyền hình vẫn xảy ra phổ biến, đặc biệt là vi phạm trong môi trường internet, như bị khán giả livestream phát trực tiếp hoặc phát tán trên mạng. Cùng với sự phát triển công nghệ, các hành vi xâm phạm cũng ngày càng tinh vi hơn. Trong khi hành lang pháp lý về quyền tác giả tác phẩm điện ảnh còn chưa đáp ứng được sự phát triển của công nghệ, chưa cụ thể, chưa thực sự bảo hộ hiệu quả quyền tác giả trong môi trường internet.
Bàn về các giải pháp để bảo hộ bản quyền tác phẩm điện ảnh trong môi trường số hiện nay, Phó Cục trưởng Cục bản quyền Phạm Thị Kim Oanh cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nói chung, quyền tác giả, tác phẩm điện ảnh nói riêng. Các chủ sở hữu quyền tác giả cần nâng cao nhận thức, ý thức, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp công nghệ, thông tin quản lý để bảo vệ chính mình; chủ động yêu cầu xử lý khi phát hiện hành vi xâm phạm bản quyền...
Theo Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú, một trong những vấn đề nổi cộm về bảo vệ bản quyền tác phẩm điện ảnh hiện nay là việc sử dụng hình ảnh của các bộ phim tài liệu đã có trên không gian mạng đưa vào tác phẩm, nhưng chỉ có một dòng ngắn ghi phim có sử dụng tài liệu đồng nghiệp, không hề trực tiếp xin phép tác giả. Đó là thực trạng vi phạm bản quyền rất nhức nhối. Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú cho rằng, đáng ra, trước khi đưa vào phim các nhà làm phim phải xin phép, chú thích rõ ràng những tư liệu được lấy từ đồng nghiệp nào, phim nào. Đó mới là sự tôn trọng cần thiết với vấn đề tác quyền trong điện ảnh.
Bức xúc trước những thiệt hại khi phim của mình bị xâm phạm bản quyền một cách tùy tiện, đạo diễn, nhà sản xuất Lương Đình Dũng đề nghị cần có “đường dây nóng” hỗ trợ các nhà làm phim. Theo đạo diễn Lương Đình Dũng, các bộ phim bị xâm phạm bản quyền, phát tán trên môi trường mạng chưa được xử lý nghiêm minh; các tổ chức, cá nhân vẫn tiếp tục đưa tác phẩm chưa được phép lên mạng hay trang cá nhân, đây cũng là một vấn đề cần được chú trọng giải quyết hơn nữa để tạo ra môi trường phát triển điện ảnh lớn mạnh.../.
- Từ khóa:
- điện ảnh
- bản quyền
- tác phẩm
- văn hóa
- quyền tác giả