Văn hóa

Trao giải thưởng Cuộc thi âm nhạc mùa thu và hát thính phòng, nhạc kịch, hợp xướng toàn quốc

Hội đồng Giám khảo đã trao 43 giải thưởng cho các thí sinh có tiết mục dự thi xuất sắc tại Cuộc thi âm nhạc mùa thu và Cuộc thi hát thính phòng, nhạc kịch, hợp xướng toàn quốc năm 2023.

Trao giải cho các thí sinh xuất sắc giành giải Nhất của 2 cuộc thi. (Ảnh: Ban tổ chức cung cấp)

TTXVN - Tối 2/12, tại Hà Nội diễn ra Lễ bế mạc, tổng kết và trao giải thưởng Cuộc thi âm nhạc mùa thu năm 2023 và Cuộc thi hát thính phòng, nhạc kịch, hợp xướng toàn quốc năm 2023.

Cuộc thi do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Nhà hát Lớn Hà Nội tổ chức.

Diễn ra từ ngày 26/11 đến ngày 2/12/2023, Cuộc thi âm nhạc mùa thu và Cuộc thi hát thính phòng, nhạc kịch, hợp xướng toàn quốc có sự tham gia của 167 thí sinh thuộc 20 đơn vị nghệ thuật trên cả nước. Trong đó có 74 thí sinh đăng ký dự thi ở 2 nội dung độc tấu đàn piano và đàn violon; 33 thí sinh thuộc 10 nhóm đăng ký dự thi ở nội dung hòa tấu nhạc cụ kèn gỗ và kèn đồng, 60 thí sinh đăng ký dự thi ở nội dung hát thính phòng - nhạc kịch.

Sau 6 ngày diễn ra, với 18 buổi diễn thi ở tất cả các nội dung trong khuôn khổ hai cuộc thi, Hội đồng Giám khảo đã chấm chọn và trao 43 giải thưởng cho các thí sinh có tiết mục dự thi xuất sắc, thuộc các bảng độc tấu piano, độc tấu violon, hòa tấu, hát thính phòng...

Phát biểu bế mạc cuộc thi, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đánh giá: Ở hai cuộc thi lần này, tuy số lượng thí sinh dự thi không nhiều, nhưng các thí sinh tham gia được trải đều ở các lứa tuổi trong các bảng. Các thí sinh đã trình diễn nghiêm túc, bảo đảm tính chuyên nghiệp và có chất lượng tương đối cao. Đối với nội dung độc tấu đàn piano và violon, các thí sinh đều trình bày các tác phẩm theo đúng quy định của cuộc thi. Đã xuất hiện một số tài năng trẻ đầy triển vọng, các em đã có những bước tiến về diễn tấu sân khấu, có bản lĩnh, nhiều em đã làm chủ được kỹ năng và nghệ thuật biểu diễn ở trình độ cao. Đặc biệt có những em đã diễn xuất có cảm xúc âm nhạc và thể hiện được cá tính riêng của mình.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại lễ bế mạc. (Ảnh: Ban tổ chức cung cấp)

Với nội dung hòa tấu âm nhạc thính phòng, Cuộc thi âm nhạc mùa thu là sân chơi hướng tới tất cả các đối tượng nghệ sỹ, giảng viên, sinh viên hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn, giảng dạy, học tập âm nhạc thính phòng cổ điển. Tuy số lượng thí sinh tham gia lần này còn khá khiêm tốn, nhưng các nhóm tham gia đã thể hiện khá tốt phần trình tấu của mình, điều đó cho thấy trình độ học thuật cũng như kỹ thuật sử dụng nhạc cụ của thí sinh là khá cao. Về thanh nhạc, cuộc thi lần này đã xuất hiện nhiều giọng ca trẻ triển vọng và khá đa dạng.

“Thông qua hai cuộc thi lần này, chúng ta hoàn toàn có cơ sở và triển vọng để có thể đào tạo được những nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc giao hưởng, thính phòng cổ điển tài năng cho đất nước. Góp phần hội nhập quốc tế sâu, rộng và nâng tầm cho nền nghệ thuật âm nhạc của Việt Nam”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.

Biểu diễn chào mừng lễ bế mạc. (Ảnh: Ban tổ chức cung cấp)

Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Cuộc thi âm nhạc mùa thu và Cuộc thi hát thính phòng, nhạc kịch, hợp xướng toàn quốc là hoạt động nghề nghiệp có ý nghĩa và có tầm quan trọng đối với các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn; là dịp để các thí sinh có cơ hội gặp gỡ giao lưu, trao đổi học hỏi lẫn nhau nhằm nâng cao nhận thức, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đồng thời cũng là cơ hội để mỗi thí sinh có thể phấn đấu thể hiện hết mình với những đam mê cháy bỏng đã được hun đúc, ấp ủ trau dồi.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đề nghị, trong thời gian tới, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố, các đơn vị nghệ thuật, nhà hát liên quan tiếp tục chú trọng nghiên cứu, tham mưu cơ chế, chính sách cải thiện chế độ đãi ngộ đối với nghệ sỹ biểu diễn âm nhạc cổ điển thính phòng; đặc biệt là các cơ chế, chính sách và chế độ đãi ngộ đối với công tác thu hút, tìm kiếm, đào tạo và phát huy nghệ sỹ tài năng, nhất là các tài năng trẻ của loại hình nghệ thuật âm nhạc cổ điển thính phòng./.


Phương Hà

Tin liên quan

Xem thêm