Môi trường

Cơ hội phát triển cho sinh viên, nhà nghiên cứu trẻ về bảo tồn thiên nhiên

Hội nghị khoa học sinh viên về bảo tồn thiên nhiên sẽ là cơ hội để tạo nên môi trường học tập và kết nối giữa các cộng đồng hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn tại Việt Nam, qua đó tạo dựng một tương lai sáng cho thế hệ các nhà bảo tồn trẻ.

Quang cảnh Hội nghị khoa học sinh viên về bảo tồn thiên nhiên năm 2023. (Ảnh: Thanh Hương/TTXVN)

TTXVN - Ngày 29/7, tại Hà Nội, Trung tâm Hành động vì động vật hoang dã Việt Nam tổ chức Hội nghị khoa học sinh viên về bảo tồn thiên nhiên năm 2023. Hội nghị thu hút đông đảo sinh viên đến từ các trường đại học trên cả nước, các nhà nghiên cứu, bảo tồn, các chuyên gia và các tổ chức hàng đầu trong lĩnh vực bảo tồn tại Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thanh Nga, cán bộ điều phối Chương trình Giáo dục và Cộng đồng, Trưởng ban Tổ chức cho biết, sẽ có nhiều đề tài với những góc nhìn đa dạng và sâu sắc về các vấn đề bảo tồn thiên nhiên đang diễn ra ở Việt Nam được trình bày tại hội nghị. Bên cạnh các đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên, các đại biểu còn được cung cấp thông tin về ngành bảo tồn ở Việt Nam, vai trò của cộng đồng địa phương trong công tác phòng, chống buôn bán động vật hoang dã trái phép, đồng thời giải đáp những thắc mắc về các cơ hội và công việc trong ngành bảo tồn. 

Chia sẻ về vấn đề truyền thông và bảo tồn, Tiến sỹ Hà Thăng Long, Giám đốc Hội động vật học Frankfurt tại Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng sáng lập GreenViet cho rằng, công tác giáo dục, nâng cao năng lực và hướng nghiệp trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam còn nhiều hạn chế. Hội nghị khoa học sinh viên về bảo tồn thiên nhiên sẽ là cơ hội để tạo nên môi trường học tập và kết nối giữa các cộng đồng hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn tại Việt Nam, qua đó tạo dựng nên một tương lai sáng cho thế hệ các nhà bảo tồn trẻ.

Hội nghị khoa học sinh viên về bảo tồn thiên nhiên là hội nghị được tổ chức thường niên nhằm tạo ra cơ hội để những nhà bảo tồn trẻ chia sẻ các nghiên cứu trong quá trình học tập và làm việc. Các nghiên cứu sẽ được đánh giá và nhận góp ý từ các chuyên gia hàng đầu trong ngành bảo tồn.

Tại hội nghị lần này, Ban Tổ chức đã lựa chọn 14 đề tài xuất sắc để trao giải; trong đó có 6 đề tài diễn thuyết và 8 đề tài trình bày poster về các chủ đề, ứng dụng khoa học xã hội, ứng dụng khoa học công nghệ, giám sát đa dạng sinh học, phòng chống buôn bán động vật hoang dã trái phép, bệnh dịch truyền từ động vật sang người.

Ở hạng mục diễn thuyết, giải Nhất thuộc về tác giả Trần Thị Phương với đề tài “Ứng dụng dữ liệu ảnh vệ tinh SAR (Sentinel-1A) để xây dựng bản đồ biến động diện tích rừng giai đoạn 2020-2023 tại khu vực Vườn Quốc gia Ba Vì”. Ở hạng mục poster, giải Nhất thuộc về tác giả Trần Trọng Ngân với đề tài “Nguồn gốc và sự di cư của cá Bông lau Pangasius krempfi trên sông Mekong”./.

Lý Thanh Hương

Tin liên quan

Xem thêm