Xã hội

Con người là nguồn lực cho tiến bộ và công bằng xã hội

Với kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng và cả nguồn lực tài chính, người cao tuổi hoàn toàn có thể trở thành tác nhân, nguồn lực quan trọng trong cộng đồng

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: TTXVN phát) 

Ngày 6/12, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Con người (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học thường niên lần thứ nhất với chủ đề “Phát triển con người trong bối cảnh già hóa dân số ở Việt Nam hiện nay”.

Hội thảo nhằm thúc đẩy khoa học nghiên cứu về con người và đẩy mạnh tư vấn chính sách để “không ai bị bỏ lại phía sau”, hướng tới mục tiêu mọi người dân đều có cơ hội phát huy tiềm năng của bản thân; mọi chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đều lấy con người làm trung tâm; vốn con người trở thành nguồn lực cho tiến bộ và công bằng xã hội,

Tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, già hóa dân số không chỉ nên nhìn nhận ở nguy cơ mà còn cần được tiếp cận theo hướng mang lại cơ hội đáng kể cho phát triển bền vững gắn liền với sự tham gia tích cực của người cao tuổi. Với kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng và cả nguồn lực tài chính, người cao tuổi hoàn toàn có thể trở thành tác nhân, nguồn lực quan trọng trong cộng đồng, đóng góp tích cực trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, gia đình và cộng đồng. Từ đó, Hội thảo đề xuất các giải pháp về đóng góp của nghiên cứu con người trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.

Đề dẫn Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người chỉ ra rằng, già hóa dân số đã tạo ra các tác động đa chiều, ảnh hưởng tới nhiều khía cạnh khác nhau của phát triển con người từ kinh tế đến an sinh xã hội, văn hóa, ứng xử... và có thể ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống của người cao tuổi. Điều này rất cần các nhà khoa học, nhà quản lý bàn luận, nghiên cứu để tham mưu chính sách về an sinh xã hội, chăm sóc người cao tuổi, đưa ra các giải pháp thích ứng với dân số già trên mọi lĩnh vực, các khía cạnh của phát triển con người, đảm bảo phát triển bền vững.

Các địa biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: TTXVN phát)

Đại biểu đã thảo luận nhiều khía cạnh tác động của già hóa dân số. Về khía cạnh kinh tế, nhiều đại biểu cho rằng, già hóa dân số ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm và đầu tư của đất nước. Bên cạnh đó, già hóa dân số tạo sức ép đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và hệ thống y tế, sức ép đối với tài chính công do áp lực về đảm bảo nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Về góc độ xã hội, ảnh hưởng của già hóa dân số được phản ánh rõ nhất trong mối quan hệ gia đình, quan hệ giữa các thế hệ. Việc thu hẹp quy mô gia đình sẽ làm chức năng hỗ trợ của gia đình đối với người già thay đổi do gia đình không còn giữ được cấu trúc truyền thống, liên kết lỏng lẻo giữa các thế hệ trở nên phổ biến hơn. Những điều này có thể làm mâu thuẫn xã hội xuất hiện, có khả năng gây ra tình trạng lạm dụng và bạo lực đối với người cao tuổi, môi trường sống thiếu thân thiện, thiếu sự tôn trọng và kém an toàn với người cao tuổi.

Các đại biểu thảo luận về một số giải pháp giảm áp lực trên; đồng thời, tham khảo kinh nghiệm các nước trong xây dựng chính sách để người cao tuổi được tăng cường tính tự chủ, độc lập về tài chính, có cơ hội và năng lực tham gia đầy đủ vào hệ thống an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội và chăm sóc sức khỏe, đảm bảo quyền cho người cao tuổi.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc, tỷ lệ dân số Việt Nam nằm trong độ tuổi từ 60 trở lên chiếm 11,9% năm 2019; đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Đến năm 2036, Việt Nam chuyển từ xã hội "già hóa" sang xã hội "già”. Điều này đặt ra những thách thức về phát triển con người không chỉ cho nhóm người cao tuổi mà cho toàn xã hội./.

Hoàng Vân

Xem thêm