Tìm hiểu trên mạng internet, anh Ngô Tiến Quyết biết về con cà cuống và những món ăn đặc sản từ chúng nên quyết tâm mua giống về nuôi thử nghiệm.
TTXVN - Anh Ngô Tiến Quyết, sinh năm 1989, khu phố Và, phường Hạp Lĩnh, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh đã nghiên cứu, làm ra nước mắm cà cuống, mang lại giá trị ẩm thực, dinh dưỡng cao, tạo ra sản phẩm nước chấm độc đáo của người Kinh Bắc và làm làm giàu cho gia đình.
Nói về cơ duyên nuôi cà cuống và làm nước mắm cà cuống, anh Ngô Tiến Quyết cho biết, năm 2020, khi COVID-19 bùng phát, công việc khó khăn, anh quyết định tìm hướng đi mới cho mình. Sinh ra và lớn lên tại vùng ven thành phố, sớm tiếp cận với nhiều hình thức kinh doanh mới, sau thời gian học hỏi, kinh doanh trong lĩnh vực vận chuyển, anh Quyết quyết định khởi nghiệp với con cà cuống. Tìm hiểu trên mạng internet, anh biết về con cà cuống và những món ăn đặc sản từ chúng nên quyết tâm mua giống về nuôi thử nghiệm.
Ban đầu, anh mua 15 cặp cà cuống giống về nuôi nhân giống nhưng do chưa có kinh nghiệm, nhiều con không thể sinh sản, thậm chí bị chết. Không nản chí, anh Quyết tiếp tục nhập thêm giống và tìm hiểu, trau dồi kinh nghiệm nuôi cà cuống từ những người nuôi trước và trên mạng internet. Chỉ sau 3 tháng, cà cuống sinh trưởng và phát triển tốt. Đầu năm 2021, anh Quyết bắt đầu bán lứa cà cuống đầu tiên và được người tiêu dùng tiếp nhận tích cực, giá thành cao. Một con cà cuống thương phẩm có giá trung bình từ 20.000 - 30.000 đồng và 200.000 - 230.000 đồng/cặp cà cuống giống. Đến nay, với 12 ao cà cuống nuôi giống, mỗi lứa cho ra hàng nghìn con thương phẩm.
Cà cuống thương phẩm ở Việt Nam rất kén khách, giá thành cao, chỉ một số ít nhà hàng nhập, trong khi anh Quyết có kỹ thuật tốt, nguồn cung dồi dào, do đó, anh mày mò, tìm phương pháp bảo quản, nâng cao giá trị con cà cuống và tìm đầu ra ổn định. Anh Quyết chia sẻ: “Tôi từng nghe ông cha kể lại bắt cà cuống ngoài đồng về nướng dầm ra nước mắm thành một gia vị đặc sản của miền quê. Tôi tìm tòi, thử nghiệm để tạo ra loại nước mắm cà cuống đặc trưng, đậm đà hương vị quê hương. Sau khi thử nghiệm, có kết quả bước đầu, tôi nhập máy móc, thiết bị như nồi hấp cà cuống, lò hấp tiệt trùng, dụng cụ đóng chai…, bắt đầu khởi nghiệp, lấy tên là nước mắm cà cuống Nam Vị 33% độ đạm”.
Để cho ra được sản phẩm nước mắm cà cuống Nam Vị 33% độ đạm đảm bảo chất lượng, theo anh Quyết, nguyên liệu phải được lựa chọn, các khâu phải đảm bảo và được giám sát kỹ càng, nhất là khâu chế biến. Muốn nước mắm cà cuống có chất lượng, đượm tinh dầu, anh lựa chọn ngâm loại nước mắm chất lượng, vị không được gắt. Cà cuống được rửa sạch, cắt cánh, hấp chín, cắt làm hai rồi ngâm vào nước mắm... Mọi quy trình đều sử dụng các loại thiết bị, máy móc hiện đại, giúp tăng năng suất và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.. Nước mắm cà cuống Nam Vị 33% độ đạm thành phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, có mùi thơm của tinh dầu cà cuống cùng độ giòn, béo ngậy của cà cuống. Những món ăn chấm kèm loại nước mắm này trở nên đặc sắc, mang hương vị đậm đà, riêng biệt.
Anh Quyết làm thủ tục kiểm định, xin cấp phép lưu hành sản phẩm, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhằm quảng bá, cung cấp sản phẩm an toàn, chất lượng đến tay người tiêu dùng, anh luôn chú trọng cải tiến mẫu mã, nhãn mác, tăng khả năng nhận diện thương hiệu.
Phó Bí thư Thành Đoàn Bắc Ninh Đặng Công Phúc cho biết: với tinh thần xung kích của tuổi trẻ trong đẩy mạnh phát triển kinh tế, anh Ngô Tiến Quyết mạnh dạn đầu tư khoa học kỹ thuật, nghiên cứu, xây dựng thương hiệu nước mắm cà cuống Nam Vị 33% độ đạm.. Anh Phúc mong các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện để anh Quyết có thể tiếp tục nghiên cứu, phát triển thêm nhiều sản phẩm từ cà cuống đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Anh Nguyễn Tiến Luyện, khu phố Và, phường Hạp Lĩnh, thành phố Bắc Ninh cũng chia sẻ, khi làm việc cùng anh Quyết, ngoài việc chú trọng các khâu đảm bảo an toàn thực phẩm để những chai nước mắm chất lượng đến với bữa cơm từng gia đình, anh có thể học hỏi sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của anh Quyết. Thành công bước đầu của anh Quyết đã mở ra hướng đi mới cho phong trào thanh niên phát triển kinh tế địa phương.
Với sự nhạy bén thị trường, anh bán sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử như: Lazada, Shopee, các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Với giá dao động mỗi chai từ 180 - 250 nghìn đồng, trung bình mỗi tháng, anh bán ra thị trường khoảng hơn 2.000 sản phẩm, mang lại doanh thu hơn 400 triệu đồng/tháng, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động, thu nhập 10 triệu đồng/người/tháng.
Sản phẩm của anh Quyết tham gia Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm tỉnh Bắc Ninh năm 2023 đã góp phần quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc thù của địa phương, qua đó, tạo điều kiện quảng bá rộng rãi sản phẩm này trên thị trường, góp phần đưa sản phẩm chất lượng của người Việt đến tay người tiêu dùng./.
- Từ khóa:
- Bắc Ninh
- quảng bá
- làm giàu
- sản phẩm đặc thù