Sức khỏe

Triển khai chương trình Quản lý và giáo dục toàn diện bệnh nhân ghép tạng

TP. Hồ Chí Minh

Chương trình Quản lý và giáo dục toàn diện bệnh nhân ghép tạng tích hợp trong ứng dụng UMC Care chính thức ra đời nhằm giúp việc tương tác giữa bệnh viện, bác sĩ và các bệnh nhân ghép tạng được thuận tiện, nhanh chóng.

TTXVN - Ngày 5/12, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Novartis Việt Nam đã ký kết hợp tác triển khai chương trình Quản lý và giáo dục toàn diện bệnh nhân ghép tạng bằng ứng dụng di động UMC Care. Đây được xem là cầu nối giúp cho việc tương tác giữa bác sĩ và các bệnh nhân ghép tạng thuận lợi hơn. Người bệnh có được kiến thức về ghép tạng một cách chủ động hơn. Đồng thời, ứng dụng giúp quy trình đăng ký và quản lý việc hiến tạng hiệu quả hơn.

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Văn Tấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ năm 2018, đơn vị này bắt đầu triển khai ghép tạng và đến nay đã thực hiện được khoảng 200 ca ghép thận, 50 ca ghép gan. Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu triển khai ghép tim và đưa ghép tạng trở thành ưu tiên hàng đầu trong 3 - 5 năm tới. Mặc dù vậy, theo bác sĩ Phạm Văn Tấn, cũng như các cơ sở ghép tạng khác, việc triển khai ghép tạng tại Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố vẫn đối mặt với nhiều thách thức như: Thiếu nguồn cung nội tạng, bệnh nhân tuân thủ điều trị thấp, điều trị sau phẫu thuật ghép tạng không đúng cách dẫn đến thải ghép và nguy cơ tử vong cao. Bệnh nhân phải đối mặt với việc thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe hậu phẫu ghép tạng. Nguồn cung cấp thuốc ức chế miễn dịch không ổn định, thiếu nền tảng tương tác hiệu quả giữa bệnh nhân, người nhà và nhân viên y tế.

Từ năm 2021, Bệnh viện Đại học Y dược đã xây dựng ứng dụng UMC Care, một ứng dụng hoàn toàn miễn phí để người bệnh sử dụng trong việc đăng ký khám bệnh, xem hồ sơ sức khỏe, xem kết quả khám bệnh của mình… Dựa trên nền tảng đó, cùng với sự hỗ trợ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Novartis Việt Nam, Chương trình Quản lý và giáo dục toàn diện bệnh nhân ghép tạng tích hợp trong ứng dụng UMC Care chính thức ra đời nhằm giúp việc tương tác giữa bệnh viện, bác sĩ và các bệnh nhân ghép tạng được thuận tiện, nhanh chóng. Từ đó, bệnh nhân được hỗ trợ quản lý tình trạng bệnh của bản thân một cách chủ động. Nền tảng này đồng thời hỗ trợ quy trình đăng ký và quản lý việc hiến tạng hiệu quả hơn; cung cấp nguồn lực để Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng chương trình giáo dục bệnh nhân ghép tạng.

“Nếu như trước đây, sự liên hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ mang tính chất cá nhân, nay đã được chuẩn hóa trên nền tảng UMC Care. Bệnh nhân hoàn toàn có thể tương tác, kết nối với bác sĩ mọi lúc, mọi nơi. Người bệnh có thể tìm thấy thông tin về những việc cần phải chuẩn bị trước ghép, quá trình ghép tạng, thuốc men, chế độ dinh dưỡng, lịch tái khám sau ghép... mọi thông tin đều được cụ thể và cá nhân hóa trên nền tảng này. Đây còn là nơi bệnh nhân có thể chia sẻ, tương tác với nhau về quá trình hồi phục sau ghép của mình”, bác sĩ Tấn cho biết thêm.

Tại Lễ ký kết hợp tác, bà Karina Ng, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Novartis Việt Nam cho biết, bên cạnh nỗ lực tìm ra những giải pháp nhằm đảm bảo cho người bệnh có thể tiếp cận với các loại thuốc tiên tiến chất lượng cao, Công ty còn cam kết phát triển các dự án chăm sóc sức khỏe cộng đồng, mở rộng các chương trình hợp tác nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế Việt Nam. Với việc hợp tác cùng Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh triển khai chương trình Quản lý và giáo dục toàn diện bệnh nhân ghép tạng, Công ty kỳ vọng sẽ giúp việc quản lý bệnh nhân ghép tạng được thuận lợi hơn, thu hẹp khoảng cách mà các bệnh nhân ghép tạng Việt Nam đang phải đối mặt.

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay, Việt Nam đã thực hiện được khoảng 7.500 ca ghép tạng. Tỷ lệ thành công của các ca ghép tạng tại Việt Nam là khoảng 95%, tương đương với các nước trên thế giới. Tỷ lệ bệnh nhân ghép tạng sống sau 5 năm đạt từ 85 - 90%. Các ca ghép tạng tại Việt Nam chủ yếu là ghép thận (khoảng 90%), còn lại là ghép tim, gan, phổi, tụy./.

Đinh Hằng

Xem thêm