Công bố Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo
Đây là sự kiện có ý nghĩa, khẳng định quyết tâm, tầm nhìn chiến lược nhằm cụ thể hóa việc thực hiện các chủ trương của Đảng về phát triển bền vững kinh tế biển.
TTXVN - Chiều 3/6, tại thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An), Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị công bố Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đây là sự kiện có ý nghĩa, khẳng định quyết tâm, tầm nhìn chiến lược nhằm cụ thể hóa việc thực hiện các chủ trương của Đảng về phát triển bền vững kinh tế biển; bảo đảm khai thác, sử dụng hiệu quả, công bằng tài nguyên trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh trên các vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nêu rõ, biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định phải phát triển kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển...
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng phòng Quản lý điều tra cơ bản biển và hải đảo, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, để góp phần hiện thực hóa Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 3/4/2023 về Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, đến năm 2030, Chiến lược đề ra 4 mục tiêu: Khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo; bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học; ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai; điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học. Tầm nhìn đến năm 2050, tài nguyên biển và hải đảo được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh trên nền tảng tăng trưởng xanh, đa dạng sinh học biển được bảo tồn, môi trường biển và các hải đảo trong lành, xã hội hài hòa với thiên nhiên.
Tại hội nghị, Bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện thường trú của Tổ chức phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam nhận định, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển, nhất là lĩnh vực hàng hải, hải sản, các lĩnh vực công nghiệp, dầu khí, du lịch và năng lượng tái tạo với lợi thế bờ biển dài hơn 3.260 km, theo cả 3 hướng Đông, Nam và Tây Nam.
Diễn biến mới ngày càng gia tăng ở các vùng biển và hải đảo, đe dọa đến sức khỏe và sự phát triển của các hệ sinh thái ven biển và biển. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm nhựa đại dương, suy thoái hệ sinh thái và đa dạng sinh học… là những thách thức lớn đối với phát triển bền vững của biển và đại dương.
Bà Ramla Khalidi khuyến nghị, sau khi Chiến lược được thông qua, Chính phủ cần đẩy nhanh việc xây dựng và phê duyệt quy hoạch không gian biển, điều cần thiết để khai thác tiềm năng to lớn của nền kinh tế biển bền vững. Bên cạnh đó, biển và hải đảo của Việt Nam hiện đang được khai thác bởi nhiều ngành khác nhau nhưng sự phối hợp còn hạn chế. Do đó, Việt Nam cần tăng cường quản trị và điều phối trong các lĩnh vực kinh tế biển như du lịch, vận tải biển, thủy sản, công nghiệp... để thực hiện thành công chiến lược cũng như các chính sách quan trọng khác về biển và hải đảo. Việt Nam cũng nên học hỏi kinh nghiệm của các nước và các đối tác phát triển trong quá trình thực hiện Chiến lược, đặc biệt là khi nhiều nguồn tài nguyên biển vượt ra khỏi biên giới quốc gia và sẽ cần có sự hợp tác quốc tế để quản lý hiệu quả và lâu dài./.