Môi trường

Ngày Môi trường thế giới 5/6: Lan tỏa lối sống xanh vì sự phát triển bền vững

TP. Hồ Chí Minh

Ngày hội Sống xanh sẽ lan tỏa sâu rộng những thông điệp ý nghĩa về bảo vệ môi trường, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, hình thành lối sống thân thiện môi trường trong cộng đồng.

Gian hàng cung cấp, tuyên truyền thông tin bảo vệ môi trường của Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên GAIA tại Ngày hội. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

TTXVN - Ngày 3/6, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố tổ chức khai mạc Ngày hội Sống xanh lần 3 - năm 2023. Ngày hội sẽ diễn ra trong hai ngày 3 - 4/6 tại quảng trường Công viên Khánh Hội (Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh).

Phát biểu khai mạc Ngày hội, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết, Ngày hội Sống xanh là một sự kiện môi trường thường niên hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới theo phát động của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đây cũng là dịp Thành phố cùng với các tỉnh, thành phố trong cả nước và các quốc gia trên thế giới cùng kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường; đồng thời thể hiện trách nhiệm và cam kết của Thành phố trong bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Bùi Xuân Cường mong rằng, các hoạt động tại Ngày hội Sống xanh sẽ lan tỏa sâu rộng những thông điệp ý nghĩa về bảo vệ môi trường, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, hình thành lối sống thân thiện môi trường trong cộng đồng, góp phần xây dựng Thành phố sạch - xanh - thân thiện với môi trường.

Theo ông Bùi Xuân Cường, thời gian qua, bên cạnh nỗ lực của chính quyền các cấp, công tác bảo vệ môi trường của Thành phố đã đạt được những chuyển biến tích cực nhờ sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tổng cộng 1.920 điểm, công trình sạch, xanh, thân thiện môi trường, 516 khu dân cư được công nhận đạt danh hiệu khu dân cư sạch - đẹp chính là kết quả đáng khích lệ từ nỗ lực chung của cả hệ thống.

Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh còn phát động phong trào Chống rác thải nhựa trên toàn địa bàn. Đến nay, thực hiện các cam kết của Việt Nam đối với chất thải nhựa cũng như các quy định về quản lý chất thải nhựa theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Thành phố đã ban hành nhiều kế hoạch với các giải pháp cụ thể, đồng bộ nhằm kiểm soát ô nhiễm do chất thải nhựa theo hướng giảm thiểu, tăng cường phân loại tại nguồn để thúc đẩy tái sử dụng, tái chế theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố đề nghị các sở, ban ngành liên quan, Ủy ban nhân dân quận, huyện và thành phố Thủ Đức trong thời gian tới phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể các cấp phát huy các kết quả đã đạt được, khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, đặt trọng tâm đẩy lùi ô nhiễm do rác thải nhựa, từng bước xây dựng Thành phố sạch - xanh - thân thiện với môi trường.

Ông Bùi Xuân Cường cũng đề nghị cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, các cơ quan Nhà nước của Thành phố phải gương mẫu, đi đầu trong bảo vệ môi trường, hưởng ứng chiến dịch chống ô nhiễm nhựa. Mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp tiếp tục đồng lòng, chung tay cùng với Thành phố giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường, đẩy lùi ô nhiễm do chất thải nhựa bằng các giải pháp, sáng kiến cụ thể, thiết thực ngay trong sinh hoạt hàng ngày và trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Người dân mang rác thải điện tử đến để tái chế. (Ảnh: Hồng Giang/ TTXVN)

Trong khuôn khổ Ngày hội, Ban Tổ chức đã phát động Tháng Hành động vì môi trường năm 2023 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”; trao tặng Giải thưởng Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh lần 4 cho 8 cá nhân và 20 tập thể; trao giải cho 30 công trình xuất sắc của Hội thi xây dựng công trình sạch - xanh - thân thiện với môi trường tại khu dân cư do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Bên cạnh đó, Ngày hội năm nay còn có sự tham gia của 34 doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị thuộc nhiều lĩnh vực với 48 gian hàng, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ, công nghệ thân thiện với môi trường...; giới thiệu công nghệ xử lý, tái chế chất thải; giới thiệu về các dự án, chương trình bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt là các mô hình kinh tế tuần hoàn đối với rác thải nhựa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Ban Tổ chức Ngày hội cũng tổ chức nhiều hoạt động cho người dân tham gia như “Sân chơi thực hành sống xanh” để người dân, các em thiếu nhi có thể trực tiếp tham gia, qua đó tìm hiểu và thực hành các giải pháp tiêu dùng bền vững, lối sống thân thiện với môi trường; tổ chức tuyên truyền và thu gom chất thải nguy hại, chất thải điện tử từ các hộ gia đình, thu gom các loại chất thải có thể tái chế… Thông qua Ngày hội, Ban Tổ chức mong muốn tạo cơ hội cho cộng đồng dân cư Thành phố, các em học sinh, sinh viên và thiếu nhi tìm hiểu về tiêu dùng bền vững, lối sống thân thiện với môi trường và cùng trực tiếp tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.

Dịp này, tại các quận, huyện trên toàn địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có gần 500 hoạt động hưởng ứng Tháng Hành động vì môi trường được tổ chức với nhiều hình thức đa dạng như tuyên truyền về lối sống thân thiện với môi trường; Hội thi xây dựng công trình sạch - xanh - thân thiện môi trường dựa vào cộng đồng tại khu dân cư; Hội thi tuyên truyền viên về bảo vệ môi trường dành cho đoàn viên thanh niên…/.

Hồng Giang

Xem thêm