Năm 2001, lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam đã được luật hóa. Năm 2005, Việt Nam là một trong 30 quốc gia thành viên sớm tham gia Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.
TTXVN - Hội thảo chuyên đề "Di sản văn hóa sống và phát triển bền vững: Từ cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm" đã diễn ra ngày 1/12 tại Khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội. Sự kiện do Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Hội đồng Anh phối hợp tổ chức nhằm chia sẻ về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể bền vững và khẳng định vai trò của cộng đồng - người nắm giữ, thực hành di sản trong quá trình này.
Tại hội thảo, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền nêu rõ: Di sản văn hóa phi vật thể hay "di sản sống" có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống. Di sản tạo cơ hội cho cộng đồng và cá nhân ý thức về bản sắc, sự kế tục; thúc đẩy sự gắn kết xã hội, tôn trọng sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người; kết nối cộng đồng. Năm 2001, lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam đã được luật hóa. Năm 2005, Việt Nam là một trong 30 quốc gia thành viên sớm tham gia Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Tới nay, sau 18 năm tham gia, Việt Nam luôn nỗ lực thể hiện là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong việc thực hiện và thúc đẩy sự phát triển của Công ước tại nước ta.
Vinh dự 2 lần trúng cử là thành viên Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003, có 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, Việt Nam đã thực hiện bài bản việc bảo vệ và phát huy theo các chương trình hành động quốc gia bảo vệ di sản đã cam kết sau khi được ghi danh.
Di sản văn hóa phi vật thể đã khẳng định vai trò trong đời sống văn hóa - xã hội, góp phần phát triển kinh tế, du lịch và phát triển bền vững. Được nắm giữ, thực hành và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, di sản văn hóa phi vật thể được cộng đồng người dân không ngừng tái tạo để thích nghi với môi trường, hình thành trong họ ý thức về bản sắc và sự kế tục, qua đó khích lệ sự tôn trọng đa dạng văn hóa, tính sáng tạo. Vì vậy, để bảo vệ "di sản sống", trước hết phải coi cộng đồng, chủ thể nắm giữ di sản là trung tâm. Bảo vệ "di sản sống", bảo vệ con người nắm giữ di sản, đó là điều quan trọng để xây dựng xã hội toàn diện, khả năng phục hồi và bền vững cho tương lai…
Bà Donna McGowan, Giám đốc Hội đồng Anh Việt Nam cho rằng, Việt Nam sở hữu một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể, như các sản phẩm thủ công truyền thống, nghi lễ, hình thức biểu diễn nghệ thuật tri thức bản địa. Thông qua hội thảo, các đại biểu cùng nhìn nhận chiến lược phù hợp, thách thức và cơ hội trong việc tận dụng di sản phi vật thể để đạt được những mục tiêu phát triển bền vững; vinh danh sự đóng góp của cộng đồng, khẳng định tầm quan trọng và vai trò trung tâm của họ trong quá trình này.
Hội thảo là hoạt động thuộc Dự án Di sản kết nối của Hội đồng Anh tại Việt Nam. Từ năm 2021-2023, sáng kiến Thử thách Di sản văn hóa cộng đồng đã được xây dựng, khuyến khích cộng đồng địa phương chủ động đưa ra ý tưởng và nhận hỗ trợ để thiết kế nhằm bảo tồn, phát huy, hưởng lợi từ di sản văn hóa. Đặc biệt, đây là chương trình tài trợ cho các dự án cộng đồng, hỗ trợ cộng đồng dân tộc thiểu số ở Ninh Thuận và Gia Lai để họ chủ động tham gia vào bảo tồn di sản văn hóa. Dự án Di sản kết nối là phiên bản Việt Nam của Chương trình Di sản Văn hóa hướng đến sự phát triển đồng đều - một chương trình nghiên cứu hành động do Hội đồng Anh thực hiện tại Colombia, Kenya và Việt Nam, nhằm khai thác di sản văn hóa để đem đến lợi ích cho cộng đồng xã hội.
Cùng với hội thảo, Ban Tổ chức giới thiệu một số sự kiện bên lề nhằm mở ra thảo luận, đóng góp của cộng đồng vào việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, phát triển bền vững ở Việt Nam. Đó là chương trình giới thiệu Kết nối Di sản diễn ra từ ngày 1-7/12 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trong đó có giới thiệu âm nhạc truyền thống của người Ba Na và người Chăm.../.