Công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật giúp nhiều người bệnh được hưởng lợi
Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp người bệnh mắc các vấn đề tim mạch được can thiệp kịp thời tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Long Khánh kể từ khi đơn vị này thành lập Đơn vị can thiệp tim mạch vào năm 2019.
TTXVN - “Thay vì phải đi đến các bệnh viện tuyến cuối để khám bệnh, điều trị, hiện nay, nhờ có công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật, nhiều bệnh nhân ở các tỉnh đã được điều trị kịp thời ngay tại tuyến dưới bằng các kỹ thuật chuyên sâu”. Đây là nhận định được đưa ra tại Hội nghị đào tạo - chỉ đạo tuyến do Bệnh viện Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 21/7.
Một bệnh nhân nam (58 tuổi, ngụ thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Khu vực Long Khánh với chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp giờ thứ 3. Sau khi triển khai chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ nhận định bệnh nhân bị tắc hoàn toàn đoạn gần động mạch liên thất trước do huyết khối. Thay vì chuyển bệnh nhân lên tuyến trên làm lỡ thời gian vàng can thiệp, với sự hỗ trợ chuyên môn từ Bệnh viện Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh, bệnh nhân này được can thiệp ngay tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.
Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp người bệnh mắc các vấn đề tim mạch được can thiệp kịp thời tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Long Khánh kể từ khi đơn vị này thành lập Đơn vị can thiệp tim mạch vào năm 2019. Bệnh viện Đa khoa Khu vực Long Khánh trở thành bệnh viện thứ 3 của tỉnh Đồng Nai triển khai can thiệp tim mạch. Nhờ đó, nhiều bệnh nhân bị bệnh mạch vành được cứu sống kịp thời, nhất là những bệnh nhân nghèo được tiếp cận với các dịch vụ điều trị kỹ thuật cao ngay tại bệnh viện địa phương.
Cùng với Bệnh viện Đa khoa Khu vực Long Khánh, Bệnh viện Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh còn chuyển giao kỹ thuật tim mạch can thiệp, điều trị rối loạn nhịp tim cho nhiều cơ sở y tế tuyến dưới như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, Bệnh viện Quân y 121, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, Bệnh viện Quân y 121, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Châu Đốc, tỉnh An Giang…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Bệnh viện Thống Nhất đã triển khai chuyển giao công nghệ và đào tạo nhằm nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ y tế, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho cơ sở y tế tuyến dưới, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, đồng thời giúp công tác chăm sóc sức khỏe cán bộ và nhân dân tại các cơ sở y tế tuyến dưới đạt hiệu quả cao.
Từ năm 2020 đến nay, mỗi năm, Bệnh viện Thống Nhất thực hiện chuyển giao kỹ thuật cho từ 12-14 bệnh viện tuyến dưới và Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ các tỉnh, thành khu vực phía Nam, với 14-18 gói kỹ thuật được chuyển giao. Bệnh viện ký kết hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ các địa phương và các Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận, Bệnh viện II tỉnh Lâm Đồng; chuyển giao kỹ thuật thận nhân tạo cho Bệnh viện Đa khoa Khu vực Long Thành, tỉnh Đồng Nai; chuyển giao kỹ thuật nội soi tiêu hóa, cấp cứu tim mạch cho Bệnh viện Đa khoa Khu vực Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp...
Từ năm 2022, Bệnh viện Thống Nhất bắt đầu triển khai chương trình Hội chẩn trực tuyến từ xa nhằm nâng cao chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế tuyến dưới. Bệnh viện tổ chức được 35 chương trình, kết nối với 24 đơn vị thu hút 2.903 người xem qua zoom và hơn 38.000 người theo dõi qua trang facebook trong năm 2022. Sáu tháng đầu năm 2023, Bệnh viện đã tổ chức được 23 chương trình, kết nối với 30 đơn vị, thu hút 4.213 người theo dõi qua zoom, hơn 42.000 lượt người theo dõi qua Facebook.
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhìn nhận, những con số chuyển giao kỹ thuật, chỉ đạo tuyến và các chương trình Hội chẩn trực tuyến từ xa mà Bệnh viện Thống Nhất triển khai rất ấn tượng. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, việc đào tạo thực hành và đào tạo lại đối với ngành Y tế có vai trò đặc biệt quan trọng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bệnh viện đã tiếp nhận 3.975 học viên, sinh viên từ đại học đến chuyên khoa 2 của 10 trường Đại học đào tạo chuyên ngành Y Dược và các đơn vị đến thực tập, góp phần cùng với các đơn vị của Bộ Y tế đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Y tế. Đồng thời, Bệnh viện đã mở được nhiều lớp đào tạo ngắn hạn và đào tạo cho nhân viên y tế, thực hiện đào tạo chuyển giao kỹ thuật cho 15 cơ sở y tế.
Công tác chỉ đạo tuyến của Bệnh viện Thống Nhất khá đặc biệt, đã cùng lúc triển khai được hai nhánh. Thứ nhất là thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo tuyến theo chương trình của Bộ Y tế. Thứ 2 là phối hợp triển khai hiệu quả việc chỉ đạo tuyến, hỗ trợ chuyên môn trong công tác bảo vệ sức khỏe cán bộ cho các tỉnh, thành khu vực phía Nam.
“Quan điểm xuyên suốt của Bộ Y tế là tiếp tục nâng cao năng lực chuyên môn của các tuyến đảm bảo khám, chữa bệnh kịp thời và tốt nhất cho người dân. Đề nghị Bệnh viện Thống Nhất và các bệnh viện tuyến cuối tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, chỉ đạo tuyến cho các cơ sở y tế tuyến dưới. Đồng thời, các cơ sở tuyến dưới cũng cần phối hợp, hợp tác trong công tác tiếp nhận hoạt động chuyển giao kỹ thuật nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho bệnh nhân được điều trị đúng chuyên môn kỹ thuật, đảm bảo giờ vàng và hưởng các kỹ thuật cao của y học ngay tại địa phương”, Giáo sư Trần Văn Thuấn nhấn mạnh./.