Sức khỏe

Hà Nội: Công tác phòng, chống dịch bệnh được duy trì thường xuyên, hiệu quả

Hà Nội

Các đơn vị trong ngành đã có nhiều nỗ lực trong công tác khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu, giúp người dân được quản lý sức khỏe tốt ngay tại địa phương.

TTXVN - Trong 6 tháng đầu năm 2023, Sở Y tế Hà Nội đã thực hiện tốt công tác tham mưu UBND thành phố về việc thực hiện các nhiệm vụ chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân Thủ đô. Các đơn vị trong ngành đã có nhiều nỗ lực trong công tác khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu, giúp người dân được quản lý sức khỏe tốt ngay tại địa phương.

Công tác phòng, chống dịch bệnh được duy trì thường xuyên, hiệu quả. Tình hình COVID-19 trên địa bàn đã được kiểm soát, xu hướng dịch giảm rõ rệt. Cộng dồn đến ngày 23/6/2023, toàn thành phố ghi nhận 19.052 ca mắc COVID-19, không có ca tử vong; 521 ca mắc sốt xuất huyết Dengue, không có ca tử vong; 831 ca mắc tay chân miệng, không có ca tử vong... Các dịch bệnh khác trên địa bàn không ghi nhận diễn biến đặc biệt.

Số liệu khám bệnh, chữa bệnh đều tăng so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số lượt khám chữa bệnh 6 tháng đầu năm 2023 là 4.202.945 lượt, tăng 27,4%; trong đó điều trị nội trú là 498.891 lượt (giảm 4,6%); điều trị ngoại trú là 1.128.920 lượt (tăng 20,87%). Nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu trong gây mê hồi sức, chẩn đoán hình ảnh, ung bướu, nhi, ngoại khoa, sản phụ khoa được các đơn vị như: Bệnh viện Thanh Nhàn, Đức Giang, Xanh Pôn, Phụ sản Hà Nội… thực hiện hiệu quả.

Ngành Y tế Hà Nội nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh gắn với công tác chuyển đổi số, cải cách hành chính trong lĩnh vực y tế. Bên cạnh đó, các chương trình công tác y tế, dân số, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm… được triển khai theo đúng kế hoạch, đạt tiến độ đề ra. Ngành đã tập trung giải quyết các khó khăn trong công tác đấu thầu, giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế.

Sở Y tế đã tham mưu, trình UBND thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2030; thẩm định và công nhận 6 xã, phường, thị trấn của 4 quận, huyện đạt tiêu chí xã tiên tiến về y dược cổ truyền năm 2022 gồm: Đồng Thái, Vật Lại (Ba Vì); Thụy Lâm (Đông Anh); Thanh Lâm (Mê Linh); Trầm Lộng, Đông Lỗ (Ứng Hòa).

Nhằm cụ thể hóa Chương trình số 08 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”, ngành Y tế đã phát động chương trình quản lý sức khỏe toàn dân năm 2023 tại huyện Mê Linh, huyện Ứng Hòa và thực hiện nhập dữ liệu theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà yêu cầu, các đơn vị tập trung hơn nữa cho công tác chỉ đạo điều hành, thống nhất triển khai Luật Đấu thầu, Luật Khám bệnh, chữa bệnh và sắp tới là Luật Thủ đô (sửa đổi), các nghị định, nghị quyết, thông tư hướng dẫn về những vấn đề cấp bách, những vấn đề tạm thời của công tác y tế.

Các đơn vị cần xác định rõ trách nhiệm của từng bộ phận, cá nhân, tạo môi trường công khai, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi để phát triển; nâng cao năng lực quản lý điều hành song song với xây dựng chiến lược phát triển chuyên môn, sẵn sàng nâng mức tự chủ thường xuyên, trong đó có y tế cơ sở, y tế dự phòng./.

Tuyết Mai

Xem thêm