Giáo dục

Cụ bà bị mắc dị vật trong thực quản hơn một năm gây nghẹn và buồn nôn

Đà Nẵng

Vì khối dị vật có kích thước quá lớn nên bác sĩ đã phải rất cẩn trọng, khéo léo cắt thành nhiều miếng nhỏ.

Bác sĩ CKII Nguyễn Quang Sang kiểm tra thực quản cho bệnh nhân sau gắp dị vật. 
Ảnh: TTXVN phát

TTXVN - Ngày 17/4, Bệnh viện Gia đình Đà Nẵng thông tin, Bệnh viện vừa gắp thành công dị vật là khối bã thức ăn (kích thước 3x5 cm) đã mắc trong thực quản của cụ bà 81 tuổi hơn một năm.

Theo đó, Bệnh viện Gia Đình Đà Nẵng tiếp nhận bệnh nhân là bà Huỳnh Thị T. (sinh năm 1943, quê ở Đà Nẵng) có tiền sử nuốt khó hơn một năm. Vài tuần gần đây, bà T. cảm giác ăn uống nuốt khó nhiều hơn, kèm đau tức thượng vị và dọc sau xương ức nặng hơn. Dù đã uống thuốc nhưng bệnh không cải thiện, do đó gia đình đưa bà T. đi cấp cứu.

Sau khi bác sĩ thăm khám, thấy bà T. có các triệu chứng nghi ngờ có dị vật trong thực quản như: cảm thấy đau khi nuốt thức ăn đặc, đau bụng vùng thượng vị, không sờ thấy u cục, nuốt nghẹn, buồn nôn và nôn nhiều lần sau ăn.

Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Quang Sang (Đơn vị Tiêu hoá Gan mật, Khoa Nội, Bệnh viện Gia đình) chỉ định cho bà T. nội soi dạ dày ống mềm, gây mê để khảo sát tìm nguyên nhân. Qua hình nội soi cho thấy đoạn 1/3 dưới của thực quản (gần đến dạ dày) có một khối dị vật là bã thức ăn màu vàng nâu, kích thước 3x5 cm chiếm hết lòng thực quản, kèm theo một ổ loét tâm vị sau khối dị vật.

Vì khối dị vật có kích thước quá lớn nên ekip bác sĩ đã phải rất cẩn trọng, khéo léo cắt khối bã lớn thành nhiều miếng nhỏ, để có thể lấy toàn bộ khối dị vật ra ngoài qua đường miệng, tránh tổn thương các cơ quan liên quan.

Sau khi lấy khối dị vật, ngay ngày hôm sau, bà T. đã có thể nuốt dễ dàng, ăn uống tốt hơn và cũng không còn buồn nôn sau khi ăn.

Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Quang Sang giải thích, dị vật thức ăn là một khối tích tụ được bao chặt bằng những thức ăn, chỉ được tiêu hóa một phần hoặc không tiêu hóa được, cứng hoặc có tính chất dính, chưa tiêu hóa hoàn toàn quyện lại với nhau lâu ngày tạo thành khối lớn và có thể gặp ở các vị trí khác nhau của ống tiêu hóa. Khối có thể gây tổn thương các vị trí của hệ thống tiêu hóa như thực quản, dạ dày do cọ xát, hoặc gây tắc ruột nếu di chuyển xuống ruột.

Để phòng ngừa tình trạng này, mọi người nên chú ý khi sơ chế thức ăn (cắt thức ăn có độ dài vừa phải, nấu chín, nhai kỹ và hạn chế việc nuốt trực tiếp các thức ăn cứng, dai hoặc có tính chất bám dính nhiều). Khi xuất hiện các dấu hiệu như đau bụng, buồn nôn, sau khi nuốt phải mảnh thức ăn lớn cứng hoặc ăn các thức ăn có tính chất bám dính như (nghệ mật ong, chuối xanh…), bệnh nhân nên đi đến cơ sở y tế uy tín để được các bác sĩ thăm khám, phát hiện sớm dị vật, tránh biến chứng không mong muốn xảy ra./.

Võ Văn Dũng

Xem thêm