Quốc hội với Cử tri

Cử tri Thành phố Hồ Chí Minh: Cần có sự đầu tư cả chiều rộng lẫn chiều sâu trong ngành Y tế

TP. Hồ Chí Minh

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã có giải đáp thỏa đáng các vấn đề đại biểu đặt ra.

Cử tri Lê Văn Thành, nguyên Trưởng phòng phòng Nghiên cứu Văn hóa-Xã hội, Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trao đổi với phóng viên TTXVN tại Thành phố Hồ Chí Minh. 
Ảnh: Xuân Khu-TTXVN

Chiều 11/11, trong Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu liên quan các nhóm vấn đề: Việc huy động, bố trí lực lượng y tế, bảo đảm thuốc men, vật tư y tế cung cấp cho người dân và công tác phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai; Việc cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực khám, chữa bệnh; Thực trạng quản lý các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm và giải pháp xử lý vi phạm; Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường.

Thạc sĩ Lê Văn Thành, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Văn hóa - Xã hội, Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, buổi chất vấn diễn ra khá sôi nổi, trong đó đại biểu nêu bật các vấn đề cử tri cả nước đang quan tâm. Về phía người trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã có giải đáp thỏa đáng các vấn đề đại biểu đặt ra.

Liên quan đến vấn đề huy động, bố trí lực lượng y tế, bảo đảm thuốc men, vật tư y tế cung cấp cho người dân và công tác phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai, Thạc sĩ Lê Văn Thành cho rằng, hiện vẫn chưa có sự cân bằng trong cung cấp thuốc, vật tư y tế cho các tuyến bệnh viện. Hầu như bác sĩ giỏi, thuốc tốt, trang thiết bị y tế hiện đại vẫn ưu tiên cho các bệnh viện tuyến cuối khiến người dân đổ xô lên tuyến trên chữa bệnh, gây ra tình trạng quá tải. Ở chiều ngược lại, hệ thống y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng trong khám, chữa bệnh ban đầu, sàng lọc bệnh, điều trị bệnh mạn tính không lây nhiễm… chưa được đầu tư đúng mức.

Từ thực tế COVID-19 vừa qua, cử tri này cho rằng, y tế cơ sở đóng vai trò vô cùng quan trọng và cần xem nó như là “người gác cổng” trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân. Do đó, cần có sự đầu tư đúng mức cho y tế cơ sở cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

“Nhà nước cần có chính sách đầu tư hơn nữa cho y tế, đặc biệt là y tế cơ sở bởi đây là đầu tư cho sức khỏe con người, cho tương lai của đất nước”, Thạc sĩ Lê Văn Thành kiến nghị.

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình về việc nên cấm lưu hành thuốc lá điện tử tại thị trường Việt Nam, Thạc sĩ Lê Văn Thành cho rằng, thuốc lá điện tử có thể trộn thêm các chất khác nhau như ma túy, gây hoang tưởng, ảo giác, không chỉ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tinh thần của thanh thiếu niên mà còn gây nên những lệch chuẩn về lối sống, thậm chí tác động tiêu cực đến sức khỏe sinh sản, chất lượng sống của nòi giống. Tuy nhiên, hiện các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá vẫn chưa đưa thuốc lá điện tử vào diện cấm lưu hành.

Cử tri Lê Văn Thành, nguyên Trưởng phòng phòng Nghiên cứu Văn hóa-Xã hội, Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. 
Ảnh: Xuân Khu-TTXVN

Do đó, Thạc sĩ Lê Văn Thành đề xuất cần sớm có quy định cấm thuốc lá điện tử trên thị trường bởi hệ lụy mà nó mang lại cực kỳ lớn. Thực tế hiện nay, thuốc lá, bao gồm cả thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng rất dễ tìm mua trên thị trường khiến việc sử dụng thuốc lá, nhất là đối với giới trẻ càng dễ dàng hơn.

“Trong thời gian chờ sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cần có những giải pháp kiểm soát chặt trong môi trường học đường để hạn chế tình trạng học sinh hút thuốc lá, trong đó có thuốc lá điện tử. Bên cạnh đó, giảm bớt áp lực học hành, tăng cường các hoạt động văn hóa, thể thao trong môi trường học đường để học sinh rời xa thuốc lá và các chất cấm gây nguy hại khác”, cử tri Lê Văn Thành đề xuất.

Về công tác quản lý thực phẩm chức năng, cử tri Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hiện vẫn “buông lỏng và không kiểm soát được” mặt hàng này. Thực tế, thực phẩm chức năng đang được buôn bán một cách tràn lan, dùng những lời quảng cáo hoa mỹ, thổi phồng tác dụng, sử dụng người nổi tiếng để quảng cáo khiến người dân lầm tưởng đó là sản phẩm thuốc có thể điều trị bệnh. Và hậu quả người dân vẫn "tiền mất, tật mang". Cử tri Nguyễn Văn Hậu kiến nghị, cần có những chế tài xử phạt thật nặng hành vi buôn bán, quảng cáo thực phẩm chức năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân để tạo sức răn đe, đặc biệt trên không gian mạng./.

Đinh Thị Hằng

Tin liên quan

Xem thêm