Cử tri Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm vấn đề quản lý khai thác, sử dụng nước dưới đất
Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện chủ trương giảm khai thác nước dưới đất, đến năm 2025 sẽ chấm dứt việc sử dụng nước dưới đất đối với các cơ sở doanh nghiệp và hộ gia đình.
TTXVN - Tại Hội thảo góp ý Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) do Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 29/9, các đại biểu thống nhất cao với phần lớn nội dung được xây dựng, tiếp thu và điều chỉnh tại Dự thảo Luật lần này. Bên cạnh đó, các đại biểu có một số đề xuất bổ sung hoặc làm rõ hơn trong Dự thảo Luật một số nội dung liên quan đến việc tái sử dụng nước, sử dụng nước dưới đất, hành lang bảo vệ nguồn nước…
Đề cập đến vấn đề quản lý, khai thác nước dưới mặt đất, ông Võ Hải, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Tân Phú cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện chủ trương giảm khai thác nước dưới đất, đến năm 2025 sẽ chấm dứt việc sử dụng nước dưới đất đối với các cơ sở doanh nghiệp và hộ gia đình. Luật Tài nguyên nước hiện hành và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn cũng như Nghị định 36/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước đã có chế tài đối với doanh nghiệp khai thác, sử dụng nước dưới đất nhưng lại không có biện pháp, chế tài với hộ gia đình mà chỉ dừng ở việc vận động.
Vì thế, việc thực hiện mục tiêu ngưng hoàn toàn khai thác, sử dụng nước dưới đất với doanh nghiệp và người dân rất khó. Thực tế, nhiều hộ vẫn sử dụng song song hai nguồn nước là nước cấp và nước dưới đất. Giải quyết khó khăn này, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cũng như các Nghị định, Thông tư cần lưu ý hơn đến vấn đề này. Trong đó, Luật cần quy định cụ thể đối với những khu vực đã có nguồn nước cấp được đảm bảo về số lượng và chất lượng phải có biện pháp chế tài ngưng sử dụng dưới mặt đất với cả doanh nghiệp và hộ gia đình.
Nói về hành lang bảo vệ nguồn nước, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, dọc các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn Thành phố có phần không gian nổi trên mặt đất là thảm cỏ, tiểu công viên, cây xanh, nơi vui chơi công cộng của người dân và không gian ngầm dưới đất được sử dụng để thu gom, tiêu thoát nước, chống ngập. Vì vậy, để phù hợp tình hình thực tế ở nhiều địa phương, khoản 1, Điều 23 Dự thảo Luật cần bổ sung thêm mục đích sử dụng hành lang bảo vệ nguồn nước với nội dung nêu trên.
Điểm a, khoản 1, Điều 52 Dự thảo Luật nêu khai thác nguồn nước để sử dụng cho phòng cháy, chữa cháy thuộc trường hợp không phải kê khai, đăng ký, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh thống nhất rằng, trường hợp này không phải cấp phép nhưng cần đăng ký khai thác, sử dụng tài nguyên nước với cơ quan chức năng để quản lý. Nếu không sẽ khiến việc quản lý, khai thác sử dụng nước dưới đất khó khăn.
Thực tế, khi Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chủ trương giảm khai thác nước dưới đất, nhiều tổ chức, cá nhân đề nghị cho phép giữ lại các giếng đã được cấp phép trước đây (không được tiếp tục gia hạn) phục vụ mục đích phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, rất khó trong việc quản lý, khai thác sử dụng nước dưới đất, bởi thực tế rất khó kiểm soát đơn vị sử dụng cho mục đích phòng cháy, chữa cháy hay mục đích nào khác.
Đánh giá cao việc đưa nội dung sử dụng nước tuần hoàn trong sử dụng nước tiết tiệm, hiệu quả vào Dự thảo Luật, các đại biểu cho rằng, cần có thêm tiêu chí khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nước tuần hoàn, có thể coi đó là một trong những tiêu chí đánh giá doanh nghiệp xanh. Một số đại biểu đề xuất bổ sung vào Dự thảo Luật quy định việc ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định khi tái sử dụng nước thải làm nước đầu vào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh…/.