Xã hội

Cuộc sống ấm no nhờ cây chè Đất Tổ

Phú Thọ

Cây chè đã trở thành cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế, giúp người dân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có cuộc sống ổn định, ấm no, khẳng định vị thế của cây chè Đất Tổ trên thị trường trong và ngoài nước

Công nhân thu hoạch chè được trồng theo phương pháp hữu cơ. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

TTXVN - Được coi là “cái nôi” của ngành chè Việt Nam, tỉnh Phú Thọ luôn xác định phát triển cây chè là một trong những chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm. Đến nay, cây chè đã được trồng rộng khắp các huyện Thanh Ba, Hạ Hòa, Đoan Hùng, Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập… và trở thành cây trồng góp phần nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Phú Thọ đã và đang tiếp tục triển khai các biện pháp phát triển cây chè theo hướng bền vững, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu, khẳng định vị thế của chè Đất Tổ trên thị trường trong và ngoài nước

*Liên kết sản xuất chè an toàn

Hợp tác xã Sản xuất chè an toàn Long Cốc, xã Long Cốc, huyện Tân Sơn là một trong những đơn vị đưa cây chè trở thành cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế, giúp người dân xã Long Cốc xóa đói giảm nghèo.

Anh Hà Văn Chinh, Phó Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất chè an toàn Long Cốc chia sẻ, Long Cốc là 1 trong những xã có diện tích trồng chè nhiều nhất của huyện miền núi Tân Sơn, với gần 700 ha, mỗi năm cho sản lượng trên 10.000 tấn chè búp tươi. Cây chè đã trở thành loại cây chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện Tân Sơn, hàng nghìn hộ dân đã có cuộc sống ổn định, ấm no nhờ cây chè.

Công nhân đóng gói sản phẩm để tiêu thụ trên thị trường. (Ảnh: Trung Kiên/ TTXVN)

Đặc biệt, xác định mục tiêu nâng cao chất lượng sản xuất và chế biến chè trên cơ sở phát triển vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn an toàn, ngay khi ra đời, HTX đã tập trung phát triển vùng nguyên liệu tại chỗ gắn với chế biến chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

“Hiện nay, hợp tác xã đang liên kết với 20 hộ trồng chè với diện tích 37 ha theo quy trình sản xuất tiêu chuẩn VietGAP và định hướng hữu cơ. Trong quá trình sản xuất, hợp tác xã yêu cầu các gia đình liên kết bán nguyên liệu chè cho hợp tác xã ký cam kết thực hiện tiêu chuẩn sản xuất an toàn như không dùng thuốc diệt cỏ, không dùng thuốc trừ sâu hóa học, không phun chất kích thích sinh trưởng…, khi chăm sóc cây chè và chịu sự quản lý, giám sát của hợp hợp tác xã. Tuy có hơi nghiêm khắc về quy định nhưng đó mới thực sự đảm bảo được sự phát triển mang tính bền vững, ổn định lâu dài…,” anh Hà Văn Chinh cho biết thêm.

Là 1 trong 63 hợp tác xã tiêu biểu trên toàn quốc, Hợp tác xã Chè Cẩm Mỹ, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam biểu dương năm 2023. Chị Nguyễn Thị Cẩm Mỹ, Phó Giám đốc hợp tác xã bộc bạch, trước đây bà con canh tác theo hình thức truyền thống, cứ thấy chè bị sâu bệnh là phun thuốc. Đến nay, việc sản xuất chè theo truyền thống trước đây đã được chuyển đổi trồng chè an toàn theo phương thức hữu cơ…

Dẫn chúng tôi đi thăm đồi chè Kim Tuyên xanh tốt, chị Mỹ cho biết, vượt qua muôn vàn khó khăn ban đầu, hiện nay, trong diện tích 30 ha chè, hợp tác xã Cẩm Mỹ đã có hơn 15 ha chè sản xuất đạt chứng nhận VietGAP, sản lượng khoảng 240 tấn chè búp tươi/năm. Giá bán chè hữu cơ trung bình từ 120.000-150.000 đồng/kg, gấp 2 lần so với chè canh tác truyền thống.

Bà Đinh Thị Lý, người dân tộc Mường, xã Tất Thắng chia sẻ, ở vùng nông thôn thôn rất khó để kiếm được một việc làm ổn định, chưa tính đến tuổi tác. Sau khi Hợp tác xã Chè Cẩm Mỹ thành lập, bà Lý đã trở thành thành viên của hợp tác xã với mức thu nhập ổn định 4 triệu đồng/tháng.

“Ngoài công việc được trả theo lương hàng tháng, quan trọng hơn cả là hơn 7 sào chè của gia đình tôi đã được hợp tác xã chè Cẩm Mỹ hướng dẫn trồng theo hướng hữu cơ, không còn phải phun thuốc sâu, tránh được độc hại, môi trường làm việc trong lành, sức khỏe được đảm bảo, giảm chi phí mua phân bón, thuốc trừ sâu hóa học… Chè thu hoạch đến đâu, hợp tác xã thu mua đến đấy, nhờ đó thu nhập từ cây chè tăng lên rõ rệt, gấp 2-3 lần so với trước đây" bà Lý vui vẻ cho hay!.

*Xây dựng thương hiệu

Công nhân kiểm tra độ héo của chè trong khâu chế biến. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Phú Thọ có gần 16 nghìn ha trồng chè, năng suất chè đạt gần 118 tạ/ha; sản lượng hơn 185 nghìn tấn/năm. Tỷ lệ diện tích các giống chè mới đạt trên 75%; trong đó cơ cấu giống phục vụ chế biến chè xanh khoảng 30%. Cây chè được trồng tập trung chủ yếu tại các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Đoan Hùng, Hạ Hòa, Yên Lập, Phù Ninh... Sản phẩm chè của Phú Thọ đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như: Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Đức, Mỹ, Hà Lan…

Toàn tỉnh hiện có hơn 4.000 ha chè được chứng nhận sản xuất theo quy trình an toàn; 59 cơ sở chế biến chè có công suất trên 1 tấn búp tươi/ngày; 1.281 cơ sở chế biến chè thủ công, nhỏ lẻ; 15 làng nghề và 8 hợp tác xã sản xuất, chế biến chè.

Ngoài việc tuyên truyền cho người dân về vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất thì các lớp tập huấn cũng thường xuyên được tổ chức để hướng dẫn người trồng chè tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn kỹ thuật trồng mới. Một số sản phẩm chè đã được truy suất nguồn gốc như: Chè Bảo Long, chè Hà Trang, chè Phú Hộ, chè Chùa Tà, chè Yên Kỳ, chè Phú Thịnh, chè Hoàng Văn, chè Long Cốc…

Tuy nhiên, sự phát triển này vẫn chưa xứng với tiềm năng của tỉnh. Nguyên nhân do mối liên kết giữa các vùng nguyên liệu với cơ sở chế biến còn lỏng lẻo; nhận thức của người dân về sản xuất hàng hóa, liên kết sản xuất, an toàn vệ sinh thực phẩm còn hạn chế. Hơn nữa, việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ còn nhiều bất cập, nhãn mác sản phẩm chè chưa phù hợp, chưa trở thành công cụ tiếp cận thị trường có hiệu quả…

Anh Hà Văn Chinh, Phó Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất chè an toàn Long Cốc chia sẻ, song song với việc áp dụng quy trình trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, hợp tác xã đã đầu tư xây dựng xưởng sản xuất chè với hệ thống máy móc hiện đại, đạt công suất chế biến 4 tấn chè tươi/ngày; đưa máy móc tự động hóa đến 70% công đoạn sản xuất chè ở khâu sao chè, đóng gói hút chân không…

Đồng thời, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc và thực hiện đầy đủ các giai đoạn kiểm định chất lượng từng sản phẩm thường niên, làm hồ sơ công bố sản phẩm, đăng ký bảo hộ thương hiệu logo của hợp tác xã, thực hiện quy trình hồ sơ in mã số mã vạch, xây dựng website riêng để quảng bá thương hiệu, thông tin sản phẩm…

Ông Trần Tú Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cho biết, để xây dựng thương hiệu “Chè Phú Thọ” các địa phương cần tiếp tục tái cơ cấu ngành chè theo hướng nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững các mối quan hệ giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời sắp xếp các cơ sở chế biến, đổi mới thiết bị, công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, hướng dẫn nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân theo chuỗi giá trị thông qua ký kết hợp đồng, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh tìm kiếm, xây dựng các kênh tiêu thụ và tổ chức quảng bá xúc tiến thương mại. Song song với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người trồng chè, các doanh nghiệp nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm chè.

Tại Hội nghị kết nối giao thương tại Phú Thọ giữa nhà cung cấp chè khu vực Đông Bắc với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại ngày 24/4 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thanh Hải cho hay, khu vực Đông Bắc là khu vực sản xuất, chế biến và xuất khẩu chè lớn nhất cả nước. Các tiềm năng để phát triển thương mại, xuất khẩu các sản phẩm chè trong khu vực vùng Đông Bắc nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng là rất lớn. Ngành chè đã đem lại giá trị kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế các địa phương.

Thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu phát triển thương mại ngành chè, tỉnh Phú Thọ đề nghị Sở Công Thương các tỉnh khu vực Đông Bắc tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối, liên kết với các Sở Công Thương trong khu vực, các Đại sứ, Tham tán, Thương vụ của Việt Nam mở rộng thị trường tiêu thụ, quảng bá thương hiệu và gia tăng giá trị hàng hóa.

Mặt khác, đổi mới về khuyến công, xúc tiến thương mại, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai, ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, thường xuyên tổ chức các hoạt động kết nối giao thương, kết nối cung cầu, hỗ trợ mở rộng thị trường cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh tham gia vào thị trường trong và ngoài nước; tiếp tục quan tâm, kết nối, giới thiệu các doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè trong khu vực ra thị trường thế giới./.

PV

Xem thêm