Xã hội

Cuốn Nhật ký phóng viên chiến trường trở về từ “phía bên kia”

Lâm Đồng

Các kỷ vật được phía Hoa Kỳ trao trả trong đợt này gồm nhiều tài liệu quý như giấy khen, nhật ký chiến trường và sổ ghi chép của các cựu chiến binh Hồ Văn Răng, Nghiêm Sỹ Thái, Vương Văn Lễ cùng các Liệt sĩ Nguyễn Thị Ro, Dương Thi, Nguyễn Phước Chính, Nguyễn Văn Đạo, Nguyễn Thị Mến, Dương Ngọc Bửu và Lê Tấn Đức.


Cựu Phóng viên chiến trường Nghiêm Sĩ Thái (thứ 2, từ trái sang) cùng các cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ nhận kỷ vật trong chiến tranh do phía Hoa Kỳ trao lại. 
Ảnh: Hoàng Tuyết- Báo Tin tức TTXVN

Cho đến bây giờ, ông Nghiêm Sỹ Thái (sinh năm 1942, quê ở Đức Thọ, Hà Tĩnh), nguyên phóng viên chiến trường kỳ cựu của Thông tấn xã Giải phóng vẫn còn bàng hoàng bởi quá bất ngờ khi nhận lại được cuốn nhật ký bị thất lạc thời kỳ ông là phóng viên chiến trường ở mặt trận Bình Trị Thiên những ngày khói lửa, vừa được Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức trao lại ngày 18/4 vừa qua.

*Kỷ vật trở về sau gần 60 năm

Trong căn nhà trên đường Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), nguyên phóng viên chiến trường bồi hồi kể lại: Đầu tháng 4/2025, một người bạn nguyên giảng viên Trường Đại học Tổng hợp, nơi ông từng học bất ngờ gọi điện tới hỏi, trong chiến tranh ông có bị thất lạc cuốn nhật ký nào không?

Ông Thái ngỡ ngàng, bởi việc này xảy ra quá lâu, lại rất ít người biết. Thế rồi, niềm vui vỡ òa khi ông biết cuốn nhật ký ghi lại một thời sinh viên, rồi làm phóng viên chiến trường bị thất lạc năm đó đã được tìm thấy. “Phía bên kia” nhặt được cuốn nhật ký và chuẩn bị tổ chức trao trả cho ông trước ngày kỷ niệm 30/4/2025.

Bản sao cuốn nhật ký của cựu phóng viên chiến trường Nghiêm Sĩ Thái được phía Hoa Kỳ trao lại. 
Ảnh Chu Quốc Hùng-TTXVN

Hồi tưởng qua từng dòng ký ức, ông Nghiêm Sỹ Thái nhớ lại một thời trai trẻ, những ngày trên giảng đường của lớp Ngữ văn 3, Khóa 7, Trường Đại học Tổng hợp. Rồi ngày 10/5/1965, sau khi đặc cách tốt nghiệp, ông cùng 12 sinh viên trong khóa tập trung tập huấn nghiệp, chuẩn bị vào chi viện cho “chiến trường B”. Các sinh viên được đào tạo cấp tốc nghiệp vụ viết tin Thông tấn trong 3 tháng, riêng ông Thái xin học thêm 2 tháng kỹ năng nhiếp ảnh.

Những ngày trong chiến trường “Bình Trị Thiên khói lửa”, dưới mưa bom bão đạn, người phóng viên chiến trường vẫn giữ thói quen ghi chép trong cuốn sổ nhật ký những chuyện đời thường, còn thông tin phục vụ chuyên môn ghi trên cuốn sổ khác.

Khoảng cuối năm 1968, ông Nghiêm Sỹ Thái xung phong vào chiến dịch cao điểm 935 Trị Thiên để có nhiều thông tin viết bài, chụp ảnh hơn. Trước khi đi, ông tới tìm Cục trưởng Cục Hậu cần Võ Hạp của Quân khu, nhờ giữ hộ cuốn nhật ký với lý do: “Lần này vào chiến dịch, không biết sống chết ra sao, nhờ anh giữ giúp để các nhà báo, nhà văn khác có tư liệu viết bài…”.

Tuy nhiên khi trở về, khu vực có căn lán của hậu cứ đã bị bom Mỹ san phẳng, toàn bộ tài liệu của Cục Hậu cần chứa trong tủ sắt mất hết, người trợ lý của Cục trưởng (là người giữ cuốn nhật ký ở thời diểm đó) cũng hy sinh. “Rất tiếc, nhưng biết làm sao, chiến tranh mà…”- ông tự an ủi.

Sau khi nhận được thông tin về cuốn nhật ký thất lạc của mình, cựu phóng viên chiến trường Nghiêm Sỹ Thái từng ngày háo hức chờ tin. Sau đó, các cán bộ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng tới nhà làm việc, xác nhận các thông tin liên quan. Ngày 17/4/2025, đơn vị bố trí xe đưa ông Thái tới Thành phố Hồ Chí Minh tham dự Hội nghị bàn giao kỷ vật trong chiến tranh từ phía Hoa Kỳ cung cấp (Hội nghị do Ban Chỉ đạo 515 Quân khu 7 phối hợp cùng Văn phòng Tùy viên Quốc phòng Hoa Kỳ tại Hà Nội tổ chức).

Nhà báo Nghiêm Sỹ Thái chia sẻ cảm xúc khi nhận lại cuốn nhật ký bị thất lạc gần 60 năm qua. 
Ảnh: Hoàng Tuyết- Báo Tin tức TTXVN

Các kỷ vật được phía Hoa Kỳ trao trả trong đợt này gồm nhiều tài liệu quý như giấy khen, nhật ký chiến trường và sổ ghi chép của các cựu chiến binh Hồ Văn Răng, Nghiêm Sỹ Thái, Vương Văn Lễ cùng các Liệt sĩ Nguyễn Thị Ro, Dương Thi, Nguyễn Phước Chính, Nguyễn Văn Đạo, Nguyễn Thị Mến, Dương Ngọc Bửu và Lê Tấn Đức.

Trong buổi lễ trang trọng đó, ông Thái xúc động chia sẻ: “Tôi thật sự không nghĩ mình còn được nhìn lại cuốn sổ ấy. Hôm nay, kỷ vật quý báu ấy đã trở về với tôi như "châu đã về hợp phố". Đối với tôi, nó không chỉ là một kỷ vật mà là một phần ký ức, một phần máu thịt đã trở về”.

Ông gửi lời tri ân tới các tổ chức đã làm cầu nối giữa hai quốc gia, hai dân tộc: “Cá nhân tôi và những người được nhận lại kỷ vật xin trân trọng cảm ơn các tổ chức ngoại giao Việt - Hoa Kỳ đã trở thành những nhịp cầu nối hữu nghị. Những kỷ vật này không chỉ mang giá trị lịch sử mà còn là minh chứng cho tình hữu nghị giữa hai nước sau chiến tranh. Chúng còn chất chứa lòng nhân ái và hy vọng vào một tương lai gắn kết hơn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ”…

*Những năm tháng khốc liệt trở về từ trang nhật ký

Trang bìa Cuốn nhật ký của Cựu phóng viên chiến trường Nghiêm Sĩ Thái. 
Ảnh: Chu Quốc Hùng - TTXVN

Cuốn nhật ký như người bạn tâm giao trở về sau gần 60 năm, nên ông Thái mỗi ngày đều dành thời gian ôn lại thời sinh viên, thời sổ tay - máy ảnh xông xáo khắp “Bình Trị Thiên khói lửa” để có hàng trăm tin, bài, ảnh từ chiến trường đầy bi hùng ngày ấy.

Trong cuốn nhật ký có đoạn viết: “Ngày 19/7 - Gặp 5 chiến sĩ trong căn lán dọc đường vào Quảng Trị, tất cả đều vừa trải qua cơn sốt rét, thương quá. Đưa cho họ mấy điếu thuốc lá và mấy thỏi muối. Họ mừng khôn xiết vì những thứ này, ở đây không thể kiếm ra. Cuộc sống người dân ở đây cũng thật vất vả. Thức ăn chủ yếu là rau rừng nấu với một chút muối, muối thì hôi mà rau ăn như rau nấu cho heo ở nhà mình vậy, khó nuốt quá…

Ngày 4/2 - Đi bộ cả ngày chỉ thấy vắt. Vắt ở đây như những kẻ địch hết sức nguy hiểm, hễ dừng lại là chúng xông đến cả bầy đàn nhung nhúc như ruộng mạ đang lên. Lúc đầu anh em còn dừng lại mà bắt. Sau mỏi mệt quá chẳng còn hơi sức mà nhìn, chạy tới nơi nghỉ thi nhau vén quần lên mà tuốt. Có con cắn trúng mạch máu, máu chảy dầm dề tưởng bị trúng mảnh bom…

Ngày 21/3 - Hôm nay vượt đường 9 mất 4 tiếng, những người giao liên vượt qua con đường này dễ dàng, nhưng chúng tôi lại quá vất vả. Điều gay go không phải cõng 30kg lúc băng qua đường mà là khi ngồi thuyền vượt qua sông Ba Lồng trong đêm. Qua bờ bên kia ai cũng mệt đòi nghỉ lại, giao liên sợ nguy hiểm nhưng giục thế nào cũng không ai muốn đi tiếp, đành đưa cả đoàn vào ngôi làng bỏ hoang của đồng bào dân tộc đã bỏ đi từ lâu... Một lát thì địch câu pháo thẳng vào làng, cả đoàn chạy xuống suối núp dưới các tảng đá, may không ai bị thương…”

Cựu phóng viên chiến trường Nghiêm Sĩ Thái đọc lại những trang viết trong cuốn nhật ký của ông bị thất lạc gần 60 năm qua. 
Ảnh: Chu Quốc Hùng-TTXVN

Trang cuối cùng của cuốn nhật ký là ngày mùng 2 Tết năm 1967, nhưng không biết do bản chính bị hư hỏng hay do việc sao chép nên chữ bị mất, chữ bị nhòe, rất khó đọc (cuốn nhật ký ông Thái được nhận là bản sao, vì bản chính được Chính phủ Hoa Kỳ lưu giữ). Tuy nhiên, ông Thái nhớ lại, nội dung đó viết về không khí đón Tết của người dân ngay trên vùng giáp ranh chiến tuyến của 2 phía ở thôn Cổ Bi, xã Phong An. Khi xuất hiện nhà báo từ ngoài Bắc tới chụp ảnh, người dân rất vui. Có bà thím còn chạy đuổi theo gọi ông đứng lại để ngắm “người ngoài mình” một chút. Rồi bà tặng cho chàng phóng viên trẻ một hộp sữa đặc - thứ đặc biệt quý ở vùng chiến tuyến này; những người khác thì tặng bánh tét với giò để các anh mang lên chiến khu. Vậy mới thấy, tình nghĩa của người dân giữa vùng bom đạn, dù khó khăn gian khổ, đối mặt với sự sống- cái chết hằng ngày vẫn thể hiện tình yêu với những cán bộ, phóng viên báo chí cách mạng…

Trong suốt những năm tháng tác nghiệp dưới làn bom đạn, cái chết luôn cận kề, ông Nghiêm Sỹ Thái cùng các đồng nghiệp tại Thông tấn xã Giải phóng vẫn bám trụ chiến trường, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thông tin, đóng góp hàng ngàn tin bài cho dòng chảy tin tức trong thời kỳ kháng chiến. Ông từng giữ các vị trí như Trưởng Phân xã Thông tấn xã Giải phóng Thừa Thiên - Huế, Trưởng Phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Lâm Đồng...

Nhờ tinh thần quả cảm và nghiệp vụ vững vàng, ông đã ghi lại nhiều bức ảnh lịch sử quý giá từ chiến trường Bình Trị Thiên. Nhiều bức ảnh sau này được công bố, gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước, như chùm ảnh và bài viết “Bộ đội giải phóng bắn rơi một trực thăng chiến đấu UH1H và bắt sống 3 phi công Mỹ ở vùng A Lưới”. Có những bức ảnh khiến cả phái đoàn từ Hoa Kỳ bay sang Việt Nam để xin gặp và phỏng vấn ông với tư cách một nhân chứng lịch sử, người lưu giữ hình ảnh trung thực và đầy tính nhân văn về cuộc chiến./.

Chu Quốc Hùng

Tin liên quan

Xem thêm