Trong suốt 40 năm, hình ảnh người phụ nữ nhỏ bé Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng lặn lội khắp nơi thu thập bằng chứng, đứng trước các phiên điều trần của Hạ viện Hoa Kỳ dõng dạc tố cáo tội ác của các công ty hóa chất để lại dấu ấn mạnh mẽ trong cộng đồng quốc tế.
Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ Thành phố Hồ Chí Minh - người tiên phong đưa kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm về Việt Nam, trở thành “bà tiên” ươm mầm hạnh phúc cho các gia đình vô sinh hiếm muộn. Bà còn được biết đến với nỗ lực hơn một phần tư thế kỷ bền bỉ đi tìm công lý cho những nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Ở thời điểm sau năm 1975, bà từng hai lần từ chối sang Pháp định cư đoàn tụ với chồng để ở lại tận hiến cho nền y học nước nhà.
*Quê hương là gia đình
Sinh ra trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, loạn lạc, từ nhỏ, cô bé Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã có niềm đam mê với ngành y. “Nhà tôi rất nghèo, có lần bị bệnh tưởng không qua khỏi, may nhờ một bác sĩ cứu chữa. Từ đó, tôi ao ước một ngày nào đó có thể trở thành bác sĩ, chữa bệnh cho nhiều người”, Giáo sư Phượng chia sẻ. Sau này, khi trở thành bác sĩ, bà nhận công tác tại Bệnh viện Từ Dũ, Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhớ lại thời điểm 30/4/1975, Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng cho biết, vài tuần trước sự kiện 30/4, cả Thành phố đều rơi vào cảnh hỗn loạn. Người dân không dám ra đường, hầu hết y, bác sĩ không đến bệnh viện làm việc vì lo sợ, có người tìm cách tháo chạy khỏi thành phố. Thế nhưng, ở bệnh viện vẫn còn rất nhiều bệnh nhân, nhiều sản phụ đến thời khắc chuyển dạ cần đỡ đẻ, mổ cấp cứu. Lúc này, bác sĩ Phượng không thể ngồi im, bà xung phong mang 3 con vào bệnh viện trực 24/24 giờ. Dù bên ngoài cuộc chiến ác liệt bao nhiêu thì bên trong bệnh viện, những người ở lại như bác sĩ Phượng vẫn miệt mài cứu chữa cho người bệnh.
Sáng 30/4/1975, trong kí ức Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng là một buổi sáng khá yên ắng. Ngoài đường, súng đạn, quân phục bị bỏ lại chất đống, binh lính bỏ chạy. Sau khi xong một ca mổ, hay tin Quân giải phóng đã tiến vào Sài Gòn, bà cùng đồng nghiệp kéo lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lên cột cờ trong khuôn viên bệnh viện. Đến tối, bà đích thân đón đoàn tiếp quản của chính quyền mới.
Sau giải phóng, tình hình đất nước vô cùng khó khăn, vật tư y tế cạn kiệt, bà cùng đội ngũ nhân viên y tế xoay xở mọi cách để cứu chữa người bệnh. Lúc này, chồng của bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã bảo lãnh cho mấy mẹ con sang Pháp định cư. Ban đầu bà cũng có ý định đi vì nghĩ cho tương lai của các con mình nhưng đến phút cuối, bà quyết định ở lại.
“Tôi không đành lòng rời đi, Pháp hay Hoa Kỳ không thiếu bác sĩ nhưng những bệnh nhân ở đây lại rất cần chúng tôi. Tôi cũng không đành lòng rời bỏ quê hương, gia đình, bạn bè. Đất nước của mình thì mình ở lại thôi”, bác sĩ Phượng chia sẻ về thời khắc của quyết định "lịch sử".
Đến năm 1979, khi người chồng về lại Việt Nam để bảo lãnh cho cả nhà đi lần hai, một lần nữa, bà vẫn chọn ở lại. Sau lần này, bà và chồng ly hôn để ông tìm hạnh phúc mới nơi đất khách, còn bà vừa làm chuyên môn vừa nuôi dạy 3 con gái nên người. Bà từng nghĩ, khi đất nước chiến tranh bà không thể tham gia chiến đấu nên khi hòa bình bà phải đóng góp công sức cho quê hương để sau này dẫu có chết đi cũng không phải ân hận vì đã vô cảm, làm ngơ với đất nước, đồng bào mình.
*Hành trình của nỗ lực phi thường
Khi sự ra đi hay ở lại đã tường minh, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng dốc hết lòng cho chuyên môn. Với vai trò là Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, bà cùng đồng nghiệp kề vai sát cánh, cùng vượt qua khó khăn, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, ứng dụng nhiều kỹ thuật mới để cứu sống người bệnh. Bệnh viện Từ Dũ dần trở thành cơ sở sản khoa tuyến đầu của khu vực phía Nam.
Thời gian đó, bà tiếp xúc với nhiều phụ nữ mãi không sinh được con, họ phải chịu biết bao lời “gièm pha” của người đời. Khao khát được làm mẹ của những bệnh nhân này thôi thúc bà quyết tâm đưa kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm về Việt Nam.
Trong bối cảnh đất nước khó khăn và chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình của Nhà nước vẫn còn thắt chặt, lối đi này của bà bị đánh giá là táo bạo và không khả thi. Nhưng có lẽ, hơn ai hết, bà đồng cảm với nỗi đau, niềm khao khát vô bờ của những người phụ nữ không may mắn. Sau bao nỗ lực học hỏi, tâm huyết trong điều kiện thiếu thốn nhưng đúng ngày 30/4/1988, ba em bé thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên của Việt Nam chào đời. Nước mắt của bà rơi xuống, bà đã thành công trong việc “tạo ra con người”. Nhìn lại mình, chỉ trong mấy tháng ngắn ngủi, mái tóc của bà đã bạc đi phân nửa nhưng bà vẫn mỉm cười hạnh phúc.
Đồng cảm với nỗi đau của đồng bào, nhất là phụ nữ có lẽ là bản năng của bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng. Trong cuộc đời làm nghề, chính bà từng chứng kiến không biết bao nhiêu đứa trẻ chào đời trong tình trạng tật nguyền không rõ nguyên nhân, trực tiếp đỡ đẻ ra những bào thai quái dị và nhất là chứng kiến nỗi đau, sự hoảng loạn chất chồng của những người mẹ, tâm tư bà nặng trĩu.
Càng tìm hiểu tài liệu, bà càng phẫn nộ hơn khi biết rằng đây là hậu quả của chất độc da cam/dioxin đế quốc Mỹ đã rải xuống Việt Nam trong chiến tranh. Không suy nghĩ nhiều, bằng chuyên môn và chứng cứ đanh thép, bà đứng lên đấu tranh đòi quyền lợi cho họ. Bà và các đồng nghiệp lập nên Làng Hòa bình trong Bệnh viện Từ Dũ để nuôi dưỡng trẻ tàn tật bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin.
Trong suốt 40 năm, hình ảnh người phụ nữ nhỏ bé lặn lội khắp nơi thu thập bằng chứng, đứng trước các phiên điều trần của Hạ viện Hoa Kỳ dõng dạc tố cáo tội ác của các công ty hóa chất gây nên những tổn thương vĩnh viễn cho đồng bào mình để lại dấu ấn mạnh mẽ trong cộng đồng quốc tế.
Dẫu cuộc đấu tranh đó chưa đi đến thắng lợi sau cùng nhưng năm 2024, tên của Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã được xướng lên tại Giải thưởng Ramon Magsaysay (được xem là giải thưởng Nobel châu Á) vinh danh những nỗ lực đấu tranh vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam không mệt mỏi của bà.
Tự nhận không phù hợp để làm chính trị nhưng Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa VII, VIII, IX. Bà đảm đương trọng trách là Phó Chủ tịch Quốc hội khóa VIII, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khóa IX…Bà đã có những tác động tích cực lên các chính sách chăm sóc sức khỏe của người dân. Bà cũng được biết đến là người khai sinh ra chương trình “Cô đỡ thôn bản” giúp giảm tỷ lệ tử vong và tai biến sản khoa ở khu vực vùng sâu, vùng xa. Những năm gần đây, bà khởi xướng chương trình "Ươm mầm hạnh phúc", hỗ trợ “tìm con” cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn có hoàn cảnh khó khăn.
Ở tuổi 81, người khác có thể nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng sau hơn 60 năm cống hiến nhưng Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng vẫn miệt mài nghiên cứu và làm việc. Bà vui mừng khi chứng kiến sự thay đổi vượt bậc của đất nước sau 50 năm giải phóng. Chưa bao giờ hối hận về lựa chọn ở lại năm xưa, bà chia sẻ: “Có lẽ những người ở thế hệ tôi mới hiểu được gian truân, thăng trầm của đất nước và càng thấm thía thành tựu ngày hôm nay thật to lớn, ý nghĩa. Với riêng tôi, nếu được chọn lại, tôi vẫn sẽ chọn con đường này: Ở lại và cống hiến”./.(Còn tiếp)
(Bài 3: Tiến sĩ hóa học và chuyến “bơi ngược dòng”)