Xã hội

"Vườn tái chế - NNC": Nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường

Bình Định

"Vườn tái chế - NNC" hoạt động dựa trên nguyên tắc "3R" (Reduce - Reuse - Recycle), có nghĩa là Tiết giảm - Tái sử dụng - Tái chế, giải pháp được rất nhiều quốc gia trên thế giới đang ứng dụng để bảo vệ và hạn chế sự ô nhiễm môi trường.

Không gian “sống xanh” tại “Vườn tái chế - NNC” - nơi mọi người có trồng các loại cây ăn quả, rau sạch tùy thích. 
Ảnh: Lê Phước Ngọc - TTXVN

Tại xóm 2, thôn Long Thành, xã Phước Mỹ, thành phố Quy Nhơn (Bình Định) có một khu vườn độc lạ mang tên "Vườn tái chế - NNC", do bà Nguyễn Thị Thanh Nga làm chủ. Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, khu vườn trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút đông đảo học sinh và du khách tới trải nghiệm, khám phá.

Trong khu vườn mát mẻ được bao phủ bởi cây cối xanh tốt, bà Nga kể cho chúng tôi nghe về hành trình xây dựng và phát triển "Vườn tái chế - NNC", tâm huyết mà bà theo đuổi bấy lâu.

Vì quá ngột ngạt với cuộc sống xô bồ nơi phố thị, bà Nguyễn Thị Thanh Nga tập hợp những bạn trẻ khuyết tật có cùng đam mê, sở thích, bỏ phố về quê lập nghiệp. Bà rong ruổi khắp các địa phương trong tỉnh để tìm mua đất. Cuối cùng, bà quyết định chọn xóm 2, thôn Long Thành làm bến đậu. Ban đầu lên đây, một số bạn đã bỏ cuộc giữa chừng vì không chịu nổi cảnh sống nhiều không (không điện, không nước, không sóng điện thoại, không wifi…), chỉ còn 15 người chọn ở lại gắn bó cùng bà. Bà Nga trở thành "mẹ đỡ đầu" và ví họ như các chiến binh sát cánh cùng mình.

Các sản phẩm tái chế từ rác thải tại “Vườn tái chế - NNC”. 
Ảnh: Lê Phước Ngọc - TTXVN

Năm 2021, đại dịch COVID-19 bùng phát, lan rộng. Nhóm của bà Nga phải "ở yên trong nhà" theo tinh thần Chỉ thị 16 của Chính phủ lúc đó. Sau những đợt nhận cơm từ các đoàn thiện nguyện, bà Nga nhận ra rằng, lượng rác sinh hoạt sử dụng 1 lần (hộp xốp, bì nilon, thìa nhựa…) thải ra rất khủng khiếp. Từ đó, bà đặt quyết tâm phải hành động ngay để bảo vệ môi trường. Qua nhiều lần trao đổi và đi đến thống nhất, nhóm triển khai mô hình "Vườn tái chế - NNC" trên khoảnh đất rộng khoảng 2.000 mét vuông. "Vườn tái chế - NNC" hoạt động dựa trên nguyên tắc "3R" (Reduce - Reuse - Recycle), có nghĩa là Tiết giảm - Tái sử dụng - Tái chế, giải pháp được rất nhiều quốc gia trên thế giới đang ứng dụng để bảo vệ và hạn chế sự ô nhiễm môi trường.

Để hiện thực hóa giấc mơ, bà Nga cùng những bạn trẻ khuyết tật bắt đầu len lỏi khắp các tuyến đường trong thôn, xã thu gom rác đem về phân loại. Bà Nga cho hay, lúc đầu người dân địa phương nhìn thấy cảnh các cháu ngồi trên xe lăn di chuyển một cách chậm chạp để nhặt rác thải liền ra sức can ngăn. Nhưng thật bất ngờ, sau nhiều lần giải thích, thuyết phục, bà con không những không phản ứng mà còn ủng hộ, tham gia nhiệt tình. Nhờ đó, tình trạng vứt rác thải bừa bãi cũng thuyên giảm đáng kể, ý thức bảo vệ môi trường của mọi người cũng được nâng cao.

Các thành viên “Vườn tái chế - NNC” tạo ra các sản phẩm có ích, đa năng, hữu dụng từ rác thải (vỏ lon nhôm, chai nhựa, bì carton, vải vụn...). 
Ảnh: Lê Phước Ngọc - TTXVN

"Mỗi tuần một ngày, nhặt một cây số", nhóm chọn bất kỳ một ngày rảnh trong tuần để thực hiện mục tiêu ấy. Hoạt động ý nghĩa này dần đi vào quy củ, được các cấp hội, đoàn thể, chính quyền địa phương hưởng ứng.

Anh Phan Huỳnh Anh Toan (37 tuổi) đã gắn bó với nơi đây được hơn 10 năm trời. "Ngôi nhà" này giúp anh được sống thật với chính mình, tìm thấy niềm vui thực thụ; giúp anh gạt bỏ sự tự ti, mặc cảm với những khiếm khuyết của bản thân.

Anh Toan chia sẻ: "Từ chỗ làm để giải trí, chúng tôi nhận thấy mình có năng khiếu nên chuyên tâm hơn. Chúng tôi chọn những bìa carton cũ, vỏ lon nhôm, chai nhựa, vải vụn… để cắt ghép tạo ra những đồ gia dụng, vật trang trí như trang phục, bình hoa, các mô hình xe cộ, máy bay, những loài động vật thủy sinh... Thay vì thải ra môi trường, trở thành vật vô dụng, bằng trí tưởng tượng và sức sáng tạo, tôi đã biến nó thành vật hữu dụng, giá trị. Gian phòng tái chế trở nên sinh động, phong phú hơn với "bộ sưu tập" sản phẩm làm từ rác thải. Nhiều người ngỏ ý đặt mua để có cơ hội sở hữu chúng. Tôi rất vui vì bản thân đã làm được điều có ích cho cộng đồng, xã hội, cho môi trường sống của chúng ta".

Ngoài tái chế rác thải, bà Nga còn dành hẳn quỹ đất rộng để khi tới đây tham quan, mọi người có thể tự tay trồng những loại cây ăn quả, rau sạch tùy thích, hình thành một không gian "sống xanh".

Chính vì lẽ đó, "Vườn tái chế - NNC" thu hút khá đông học sinh, du khách trong và ngoài tỉnh đến trải nghiệm. Em Nguyễn Hồng Linh, đến từ thành phố Quy Nhơn phấn khởi cho biết, em rất thích tới đây bởi ngoài việc được hòa mình vào với cảnh sắc thiên nhiên thoáng đãng, trong lành, yên bình em còn học thêm được rất nhiều cách làm hay, tự cảm thấy cần phải có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ môi trường khỏi sự ô nhiễm.

Phó Giám Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bình Định Hà Thị Thanh Hương đánh giá, "Vườn tái chế - NNC" là mô hình, hướng đi mới mẻ phù hợp với thực tiễn địa phương và xu thế thế giới hiện nay. Đây là mô hình thành công, người chủ đã có những phương án, giải pháp mang tính đột phá, hiệu quả, dài hơi và tìm được "đầu ra" bền vững, từ đó tạo nguồn thu ổn định để duy trì hoạt động và giải quyết việc làm cho người khuyết tật. "Vườn tái chế - NNC" còn góp phần tích cực cùng tỉnh trong việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về quản lý rác thải nhựa; làm thay đổi rõ rệt nhận thức của cộng đồng dân cư thông qua việc người dân cùng gìn giữ môi trường sống xanh - sạch - đẹp, chuyển giao chất thải có khả năng tái chế cho "Vườn tái chế - NNC" để tái chế, tái sử dụng./.

Lê Phước Như Ngọc

Xem thêm