Sở Xây dựng giao Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông đô thị Cần Thơ chủ trì, phối hợp với Phòng Quản lý vận tải và An toàn giao thông để xây dựng phương án tổ chức đưa, đón cán bộ, công chức, viên chức từ Hậu Giang và Sóc Trăng đến làm việc tại thành phố Cần Thơ.
Ngày 21/4, ông Phạm Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Cần Thơ vừa có văn bản gửi Công ty Cổ phần xe khách Phương Trang (FUTA Bus Lines), đề nghị phối hợp xây dựng phương án tổ chức đưa, đón cán bộ, công chức, viên chức từ Hậu Giang và Sóc Trăng đến làm việc tại thành phố Cần Thơ sau khi sáp nhập 3 địa phương.
Theo Nghị quyết 60-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về sắp xếp, hợp nhất các đơn vị hành chính cấp tỉnh, 3 địa phương thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng sẽ được hợp nhất, lấy tên thành phố Cần Thơ, với trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Cần Thơ hiện nay.
Trên cơ sở chỉ đạo của UBND thành phố Cần Thơ, Sở Xây dựng được giao nhiệm vụ xây dựng phương án thuê phương tiện đưa, đón cán bộ từ trung tâm thành phố Vị Thanh (Hậu Giang) và trung tâm thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) về Cần Thơ làm việc. Đơn vị vận tải được đề nghị phối hợp là Công ty Cổ phần xe khách Phương Trang, doanh nghiệp có hệ thống tuyến xe khách cố định và dịch vụ vận tải hành khách quy mô lớn đang hoạt động tại khu vực miền Tây. Thời hạn hoàn thành phương án trong tháng 4/2025.
Sở Xây dựng cũng giao Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông đô thị Cần Thơ chủ trì, phối hợp với Phòng Quản lý vận tải và An toàn giao thông để xây dựng phương án tổ chức đưa, đón cán bộ, công chức, viên chức từ Hậu Giang và Sóc Trăng đến làm việc tại thành phố Cần Thơ.
Trước đó, UBND thành phố Cần Thơ vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang đề nghị phối hợp tổ chức tuyên truyền, lấy ý kiến cử tri đối với dự thảo đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Về nhân sự, tổng số cán bộ, công chức, viên chức của 3 địa phương hiện trên 61.100 người. Dự kiến, có hơn 600 người nghỉ hưu theo chế độ, hơn 36.600 người được điều động, bố trí nội bộ. Đặc biệt, sẽ có 1.212 cán bộ thuộc dạng tinh giản biên chế hoặc thôi việc; trong đó, thành phố Cần Thơ có 1.114 cán bộ, Sóc Trăng 98 cán bộ.
Phương án sắp xếp đảm bảo số lượng cán bộ, công chức, viên chức và lãnh đạo không vượt quá hiện tại. Các địa phương sẽ tự cân đối ngân sách để nâng cấp nơi làm việc, bố trí nhà công vụ cho đội ngũ cán bộ nhằm ổn định hoạt động sau khi hợp nhất.
Sau khi sáp nhập, tổng diện tích của thành phố Cần Thơ sẽ vượt 6.400 km vuông, dân số trên 4 triệu người và dự kiến có 103 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 31 phường và 72 xã./.