Trong 50 năm qua, với tiềm năng to lớn nhiều mặt, cùng mong muốn xây dựng đất nước nói chung và TP Hồ Chí Mih nói riêng ngày càng giàu mạnh, kiều bào đã đem công sức, trí tuệ, tài chính đóng góp xây dựng quê hương dưới nhiều hình thức.
Ngày 22/4, Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi tọa đàm “Kiều bào hiến kế phát triển Thành phố Hồ Chí Minh” nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Đây là dịp để các chuyên gia, kiều bào chia sẻ, hiến kế, gợi mở những kinh nghiệm quốc tế để xây dựng Thành phố phát triển nhanh, bền vững và có chiều sâu trí tuệ.
Bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố có mối liên hệ với khoảng 3 triệu trên tổng số khoảng 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Đảng bộ và chính quyền Thành phố luôn nhất quán coi nguồn lực kiều bào là một trong những nguồn nội lực trong quá trình phát triển. Trong quá trình đổi mới, phát triển, chủ trương của Đảng bộ Thành phố là thu hút, trọng dụng nhân tài và đội ngũ trí thức, nhà khoa học kiều bào, nhất là trí thức đầu đàn trong các ngành nghề mũi nhọn, những lĩnh vực quan trọng.
“Có thể nói, trong 50 năm qua, với tiềm năng to lớn nhiều mặt, cùng mong muốn xây dựng đất nước nói chung và Thành phố nói riêng ngày càng giàu mạnh, kiều bào ta đã đem công sức, trí tuệ, tài chính đóng góp xây dựng quê hương dưới nhiều hình thức”, bà Vũ Thị Huỳnh Mai chia sẻ.
Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh cùng cả nước đang tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong suốt hành trình 50 năm qua, lực lượng kiều bào đã trở thành một phần máu thịt không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Họ đã đóng góp tích cực, thúc đẩy sự phát triển của Thành phố và cả nước. Thành phố hiện có khoảng 500 chuyên gia, trí thức kiều bào từ nhiều quốc gia trở về làm việc, hợp tác lâu dài. Cùng với đó, trên 3.000 doanh nghiệp do kiều bào đầu tư đang hoạt động trên địa bàn với tổng số vốn hơn 45.000 tỷ đồng.
Các đại biểu, chuyên gia, kiều bào đã có nhiều ý kiến đóng góp cụ thể, chia sẻ những kinh nghiệm, đưa ra các giải pháp giúp Thành phố phát triển bền vững. Ông Danny Võ, kiều bào Singapore, Phó Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong bối cảnh thế giới bước vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số và kinh tế tri thức bùng nổ, việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa khóa để Thành phố duy trì vị thế đầu tàu kinh tế, trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực. Ông cho rằng, Thành phố cần hình thành các trung tâm sáng tạo cộng đồng, học viện chuyển đổi số, vườn ươm tài năng trẻ, kết nối các trường đại học, doanh nghiệp công nghệ và cộng đồng startup. Địa phương thí điểm mô hình “Thành phố học tập - City of Lifelong Learning”, nơi mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận kiến thức, nâng cao kỹ năng phù hợp với kỷ nguyên số; hỗ trợ kỹ năng số cho lao động phổ thông, nâng cao năng lực ngoại ngữ, văn hóa hội nhập và tinh thần khởi nghiệp cho người trẻ.
Bà Trần Tuệ Tri, kiều bào Singapore, đồng sáng lập và Cố vấp cấp cao Vietnam Brand Purpose chia sẻ, trong chiến lược phát triển mới của đất nước, Thành phố Hồ Chí Minh đứng trước cơ hội lớn để mở rộng địa giới hành chính và định hình trở thành một “Mega City” - siêu đô thị, một trung tâm kinh tế - đổi mới sáng tạo - thương mại - dịch vụ mang tầm khu vực và châu Á. Theo đề xuất của bà, Thành phố sáng kiến xanh hóa đô thị dựa trên sức mạnh cộng đồng, với ý tưởng biến sự đông đúc (“Rừng người”) thành mạng lưới không gian xanh (“Rừng cây”) bằng cách biến mỗi điểm đến, mỗi cộng đồng và mỗi gia đình thành một phần của mảng xanh thành phố. “Triển khai hợp tác với doanh nghiệp để thúc đẩy xây dựng xanh, như vườn trên mái nhà và tường xanh. Người dân tham gia tích cực vào các phong trào, lan tỏa tinh thần gìn giữ thiên nhiên trong lối sống thường ngày”, bà Trần Tuệ Tri góp ý./.
- Từ khóa:
- TP Hồ Chí Minh
- Kiều bào
- hiến kế
- phát triển