CNS, TIE đã đề xuất, quyết định và thực hiện quy trình chi tiền không đúng các quy định của pháp luật, gây thất thoát tài sản của Nhà nước hơn 22 tỷ đồng.
TTXVN - Chiều 30/5, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử vụ án thất thoát tài sản Nhà nước xảy ra tại Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS), Công ty Cổ phần TIE (Công ty con của CNS, gọi tắt là TIE). Cựu Tổng giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn Chu Tiến Dũng và 9 đồng phạm hầu tòa về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", theo Điều 219 Bộ luật Hình sự. Đại diện Viện Kiểm sát đã luận tội và đề nghị mức án đối với 10 bị cáo.
Theo đại diện Viện Kiểm sát, CNS là doanh nghiệp có 100% vốn của Nhà nước, nên việc quản lý, sử dụng tiền, tài sản của doanh nghiệp phải tuân theo các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, các cá nhân liên quan tại CNS, TIE đã đề xuất, quyết định và thực hiện quy trình chi tiền ở Quỹ khen thưởng tại CNS và thoái vốn tại TIE không đúng các quy định của pháp luật, gây thất thoát tài sản của Nhà nước là tiền của Công ty CNS tổng số tiền là hơn 22 tỷ đồng.
Trong đó, từ năm 2015-2018, bị cáo Chu Tiến Dũng và đồng phạm đã không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng quỹ khen thưởng của Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn để phục vụ công tác đối ngoại, tri ân, cảm ơn trong dịp lễ, Tết hoặc đột xuất, gây thất thoát hơn 17,3 tỷ đồng. Cụ thể, Ban Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn, Phòng Kế toán - Tài chính đã không kiểm tra về thông tin đối tượng được khen thưởng, thành tích cụ thể, cơ sở để đưa ra mức khen thưởng cho các đơn vị, cá nhân mà vẫn ký tờ trình, phiếu chi... Tất cả các bộ hồ sơ chi thưởng đều không có danh sách cá nhân được khen thưởng ký nhận cụ thể, không nêu rõ thành tích hỗ trợ, đóng góp cho Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn để được khen thưởng theo tiêu chí, điều kiện quy định.
Đối với vi phạm trong việc CNS thực hiện thoái vốn tại TIE, năm 2015-2016, thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố Hồ Chí Minh về việc thực hiện kế hoạch tái cơ cấu, thoái vốn đầu tư của CNS tại TIE, CNS đã chỉ đạo người đại diện vốn xây dựng phương án thoái vốn để CNS phê duyệt và thực hiện thoái hết vốn tại TIE vào ngày 21/3/2016 và 27/12/2016. Lần 1, Nguyễn Hoành Hoa (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn) biết rõ việc Công ty Cổ phần TIE có phát sinh lợi nhuận từ vốn đầu tư của Tổng Công ty, nhưng không chỉ đạo Tổng giám đốc, người đại diện vốn của đơn vị tại Công ty Cổ phần TIE thực hiện các biện pháp hoặc điều chỉnh phương án, lộ trình thoái vốn phù hợp để thu hồi lợi tức phát sinh trước khi thoái vốn. Lần 2, các bị cáo đã làm sai quy định dẫn đến thoái vốn sai thời điểm, làm mất quyền được nhận cổ tức năm 2015 tương ứng với tỷ lệ cổ phiếu đã bán là hơn 1,3 tỷ đồng.
Đại diện Viện Kiểm sát nhấn mạnh, bị cáo Chu Tiến Dũng, cựu Tổng giám đốc CNS phải chịu trách nhiệm chính trong việc thất thoát số tiền đặc biệt lớn từ Quỹ khen thưởng và đồng phạm giúp sức tích cực cho Nguyễn Hoành Hoa trong việc để thất thoát tiền khi thực hiện thoái vốn tại TIE. Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt các bị cáo: Chu Tiến Dũng từ 7 – 8 năm tù; Nguyễn Hoành Hoa từ 3 – 4 năm tù, Đỗ Văn Ngà (cựu Kế toán trưởng CNS) từ 6 – 7 năm tù, Nguyễn Hoàng Anh (cựu Phó Tổng giám đốc CNS) từ 3 – 4 năm tù, cùng về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Sáu bị cáo còn lại bị đề nghị tuyên phạt án tù nhưng cho hưởng án treo.
Đại diện Viện Kiểm sát cũng đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng tình tiết như: hậu quả của vụ án đã được khắc phục toàn bộ; quá trình điều tra, truy tố các bị cáo tích cực hợp tác với cơ quan tố tụng trong việc giải quyét vụ án; tại phiên tòa, các bị cáo đều thành khẩn thừa nhận hành vi phạm tội… để giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo trong vụ án.
Phiên tòa bước sang phần tranh luận./.
- Từ khóa:
- Cựu Tổng giám đốc CNS
- bị đề nghị
- 7 – 8 năm tù