Ngày Thơ Việt Nam tại Ninh Bình gồm nhiều hoạt động như trao đổi, giao lưu thơ, nhạc, đề cập đến sức sống mới của từng vùng đất, con người sau đại dịch COVID-19.
TTXVN- Ngày 5/2, tức ngày Rằm tháng Giêng năm Quý Mão, tại thành phố Ninh Bình, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Ninh Bình tổ chức Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 21 với chủ đề "Nhịp điệu mới", thu hút sự tham gia của nhiều nhà thơ, nhạc sỹ, nghệ sỹ tiêu biểu và đông đảo người yêu thơ.
Ngày thơ Việt Nam được tổ chức trong không khí chào đón kỷ niệm 72 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2023); tạo những cảm xúc sáng tạo tươi mới của chủ đề "Nhịp điệu mới".
Ngày Thơ Việt Nam tại Ninh Bình gồm nhiều hoạt động như trao đổi, giao lưu thơ, nhạc, đề cập đến sức sống mới của từng vùng đất, con người sau đại dịch COVID-19 đã mạnh mẽ đứng lên, đem sức lực, trí tuệ để đưa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đi vào cuộc sống.
Ngày thơ Việt Nam còn là dịp để các nhà thơ, nghệ sỹ ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc qua bài thơ, bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, khơi dậy tinh thần sáng tạo, đoàn kết trong xây dựng và bảo vệ đất nước, quê hương.
Ông Nguyễn Đăng Hào, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Ninh Bình cho rằng, dân tộc ta là một dân tộc yêu thơ. Cùng với sự hình thành và phát triển của đất nước. chúng ta đã có một nền thi ca luôn thể hiện trách nhiệm cao trước cộng đồng, thời đại.
Các thế hệ người Việt Nam được nuôi dưỡng tinh thần bằng rất nhiều những áng thơ ca tuyệt tác. Ngược về cội nguồn, chúng ta gặp bài thơ "Nam quốc sơn hà" được ghi vào lịch sử như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta.
Truyền thống và bản sắc văn hoá dân tộc luôn luôn là điểm tựa cho thơ. Với những lễ nghĩa của phong tục tập quán, dấu tích oai hùng của lịch sử, tính cách độn hậu chịu thương, chịu khó, giầu lòng vị tha, nhân ái, khát khao cuộc sống hòa bình của nhân dân đã hình thành nên một nền thơ trường tồn cùng dân tộc.
Đất nước nếu thiếu đi một chút của cải thì con người hợp sức với nhau làm ra của cải bù đắp lại. Nhưng nếu thiếu đi một Nguyễn Du, một Nguyễn Trãi, một Hồ Xuân Hương hay một Trương Hán Siêu... ở quê hương Ninh Bình thì dân tộc, quê hương sẽ nghèo đi "của cải tinh thần" không gì bù đắp được. Thơ đã bén rễ trong con người Việt Nam nói chung, người Ninh Bình nói riêng, có mặt trong đời sống hàng ngày của người dân...
Trong Ngày Thơ Việt Nam, các đại biểu và người yêu thơ đã được cùng nghe lại bài thơ sâu lắng lòng người "Nguyên tiêu" của Bác Hồ cùng nhiều bài thơ của các tác giả người Ninh Bình. Dịp này, nhiều địa phương và ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình cũng tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhân Ngày Thơ Việt Nam./.
- Từ khóa:
- Ngày Thơ Việt Nam