Xã hội

Đà Nẵng: Hỗ trợ điện thoại thông minh cho hộ nghèo, cận nghèo

Đà Nẵng

Đà Nẵng hỗ trợ tối đa 2 triệu đồng/thiết bị/hộ cho 1.800 hộ gia đình thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo mua điện thoại thông minh từ nguồn ngân sách. Các doanh nghiệp viễn thông hỗ trợ hơn 2.000 máy cho những hộ còn lại.

Hỗ trợ các hộ dân Cơ Tu tại xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) đăng ký sim, cài đặt điện thoại mới 
Ảnh: TTXVN phát

Từ tháng 9/2024, Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) sẽ ngắt sóng 2G. Đà Nẵng là một trong các địa phương thực hiện thí điểm hoạt động này. Do đó, những điện thoại chỉ sử dụng mạng 2G (điện thoại đời cũ) sẽ không nghe, gọi, nhắn tin được.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, thành phố có khoảng hơn 100.000 thuê bao sử dụng điện thoại chỉ hỗ trợ mạng 2G. Hiện nay, thành phố Đà Nẵng đẩy nhanh việc tuyên truyền, hỗ trợ các thuê bao chuyển đổi sang điện thoại 4G, triển khai chính sách hỗ trợ phổ cập điện thoại thông minh để thực hiện chủ trương tắt sóng 2G. Các doanh nghiệp viễn thông đang đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ các thuê bao này chuyển đổi sang điện thoại 4G như hỗ trợ kinh phí mua máy smartphone 4G hoặc điện thoại feature phone 4G, đưa ra các gói cước hỗ trợ thuê bao chuyển đổi…

Qua khảo sát, hiện Đà Nẵng có hơn 3.800 hộ gia đình chưa có điện thoại thông minh.

Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành Nghị quyết số 34/2024/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ chi phí mua điện thoại thông minh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Theo đó, UBND thành phố Đà Nẵng hỗ trợ tối đa 2 triệu đồng/thiết bị/hộ cho mỗi trường hợp hộ gia đình thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo chuẩn thành phố từ nguồn ngân sách (với điều kiện tất cả thành viên trong hộ đều chưa có điện thoại thông minh). Mỗi hộ gia đình chỉ được hỗ trợ tối đa 1 lần. Dự kiến, thành phố Đà Nẵng hỗ trợ đối với 1.800 hộ gia đình chưa có điện thoại thông minh để bảo đảm thông tin liên lạc.

Bên cạnh việc hỗ trợ từ nguồn ngân sách, thành phố đã tranh thủ nguồn lực xã hội hóa, làm việc với các doanh nghiệp viễn thông và thống nhất hỗ trợ hơn 2.000 máy điện thoại thông minh cho những hộ còn lại. Thời gian thực hiện từ ngày 1/7 đến ngày 30/8/2024.

Các sản phẩm điện thoại thông minh mới
Ảnh: YONHAP/TTXVN

Trong quá trình thực hiện, các doanh nghiệp viễn thông sẽ phối hợp với UBND các cấp, đơn vị liên quan tổ chức hướng dẫn sử dụng các ứng dụng, tiện ích cho tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và người dân tham gia chuyển đổi số. Trong đó có phần hướng dẫn các kỹ năng cơ bản như truy cập và sử dụng internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến; cài đặt và sử dụng ứng dụng Danang Smart City. Cùng với đó là hướng dẫn bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên điện thoại thông minh; thanh toán không dùng tiền mặt đến 100% các hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh. Ngoài ra còn có phần hướng dẫn phục vụ các dịch vụ an sinh xã hội như thanh toán tiền điện, nước, môi trường, nhận trợ cấp, lương hưu; cung cấp tài khoản miễn phí thanh toán không dùng tiền mặt đến người dân ở xã. Đồng thời, triển khai cấp miễn phí chữ ký số cho công chức và người dân ở xã để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia và cổng dịch vụ công của Đà Nẵng cũng như các giao dịch điện tử khác.

Căn cứ chủ trương, định hướng dừng công nghệ di động 2G, phổ cập điện thoại thông minh, từ ngày 16/9/2024, các đơn vị viễn thông không cung cấp dịch vụ cho thiết bị đầu cuối thuê bao chỉ hỗ trợ tiêu chuẩn GSM, trừ trường hợp cung cấp dịch vụ cho thiết bị đầu cuối thuê bao kết nối vào mạng GSM cho mục đích truyền, nhận dữ liệu giữa thiết bị với thiết bị (M2M) hoặc cung cấp dịch vụ tại khu vực Trường Sa, Hoàng Sa, nhà giàn dầu khí.

Trước đó, năm 2023, Chi nhánh Vietel Đà Nẵng đã trao tặng 50 điện thoại thông minh (tổng trị giá 100 triệu cho đồng) cho các hộ đồng bào Cơ Tu tại các thôn Tà Lang, Giàn Bí, thuộc xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Đây là số hộ trong 262 hộ gia đình đồng bào Cơ Tu tại xã chưa có điện thoại thông minh. Các cấp chính quyền đã huy động tài trợ để bảo đảm 100% hộ gia đình đồng bào Cơ Tu có điện thoại thông minh, phát huy chuyển đổi số trong các thủ tục hành chính, dễ dàng hơn trong tiếp cận thông tin, tri thức. Việc trao tặng điện thoại sẽ giúp các hộ đồng bào Cơ Tu có thể sử dụng các dịch vụ, tiện ích chuyển đổi số và đồng thời tiếp nhận kịp thời thông tin, hướng dẫn từ chính quyền, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của người dân vùng khó khăn.

Với địa phương có tỉ lệ người sử dụng điện thoại thông minh cao như ở Đà Nẵng, việc hỗ trợ mua điện thoại thông minh sẽ góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Chính sách này của thành phố Đà Nẵng nhằm triển khai chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần, nhu cầu tiếp cận thông tin góp phần hoàn thành các mục tiêu về giảm nghèo thông tin, hoàn thành mục tiêu xã hội số, kinh tế số trong nhiệm vụ chuyển đổi số của thành phố Đà Nẵng./.

PV

Xem thêm