Từ sự hỗ trợ của các cấp hội cùng tổ chức, cá nhân, nhiều nạn nhân chất độc da cam đã được tiếp thêm nghị lực, vượt qua khó khăn để tự lập.
Sáng 6/8, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ kỷ niệm 63 năm Ngày thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2024) và phát động gây quỹ cộng đồng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam năm 2024 “Thắp sáng tương lai” của Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, thảm họa da cam để lại hậu quả hết sức nặng nề. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người khác đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo.
Kỷ niệm 63 năm ngày thảm họa da cam ở Việt Nam là dịp để các cá nhân, tổ chức nhận thức vai trò trách nhiệm trước nỗi đau của các nạn nhân, phát huy tinh thần tương thân tương ái, tiếp tục chung tay giúp đỡ họ về cả vật chất và tinh thần. Qua đó, tiếp thêm sức mạnh, nghị lực vượt khó vươn lên, xoa dịu nỗi đau thể xác, tinh thần, giúp nạn nhân chất độc da cam từng bước hòa nhập đời sống xã hội, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ nhấn mạnh.
Thời gian qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với các đơn vị thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ giúp đỡ nạn nhân da cam có hiệu quả, nhất là xây dựng nhà tình thương, tặng quà, hỗ trợ sinh kế. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2024, Hội đã vận động hỗ trợ tặng hơn 7.600 suất quà, tặng 29 xe lăn xe lắc, hỗ trợ 105 nạn nhân khám chữa bệnh trị giá hơn 6 tỷ đồng…
Từ sự hỗ trợ của các cấp hội cùng tổ chức, cá nhân, nhiều nạn nhân chất độc da cam đã được tiếp thêm nghị lực, vượt qua khó khăn để tự lập, tìm được công việc ổn định nuôi sống bản thân. Nhiều nạn nhân, trong đó có chị Trần Thị Hoan được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Làng Hòa Bình – Bệnh viện Từ Dũ từ năm 8 tuổi đến nay đã hoàn thành chương trình đại học và đang làm việc tại Phòng Công nghệ thông tin – Bệnh viện Từ Dũ. Chị Hoan đã luôn nỗ lực vươn lên, vừa làm gương để các em cùng hoàn cảnh noi theo.
"Cuộc sống sẽ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, với nạn nhân chất độc da cam hay những người khiếm khuyết, sự hòa nhập cộng đồng còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của cộng đồng, xã hội, mỗi người cần tự nỗ lực học hỏi, vươn lên để hoàn thiện bản thân, hòa nhập với cộng đồng”, chị Hoan chia sẻ.
Tại lễ kỷ niệm, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam phát động chương trình gây quỹ cộng đồng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam năm 2024 “Thắp sáng tương lai”, kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng xã hội cùng Hội chăm sóc sức khỏe, tinh thần, đời sống, giúp các nạn nhân chất độc da cam hòa nhập với cộng đồng. Đồng thời, việc tiếp tục đấu tranh công lý về pháp lý quốc tế rất cần sự chung tay của mỗi hội viên, tỉnh hội, thành hội, các đơn vị từ Trung ương đến địa phương.
Dịp này, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã trao Kỷ niệm chương “Vì nạn nhân da cam” cho các cá nhân đã tích cực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh cùng nhiều tổ chức, cá nhân đã trao hỗ trợ học bổng cho con cháu của nạn nhân da cam; tri ân các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp, xoa dịu nỗi đau cho các nạn nhân./.