Đà Nẵng phấn đấu đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo còn sức lao động theo chuẩn thành phố giảm còn 1,39%/tổng số hộ dân cư.
TTXVN - Ngày 9/3, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023.
Bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho hay, Đà Nẵng phấn đấu đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo còn sức lao động theo chuẩn thành phố giảm còn 1,39%/tổng số hộ dân cư; vận động 100% người thuộc hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế có hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế của Nhà nước; hỗ trợ xây mới nhà ở cho 80 hộ nghèo và sửa chữa nhà ở cho 200 hộ nghèo có đất ở hoặc nhà ở nhưng bị xuống cấp, hư hỏng để có chỗ ở ổn định cuộc sống; hỗ trợ 1.500 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm. Đồng thời, thành phố tăng cường công tác quản lý chương trình giảm nghèo; tổ chức tập huấn đào tạo cho 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp, cán bộ thôn, tổ dân phố về chính sách, giải pháp giảm nghèo và quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm.
Theo bà Yến, để thực hiện mục tiêu trên, các đơn vị, địa phương liên quan cần xây dựng kế hoạch cụ thể về giải pháp, chính sách và nguồn lực; tổ chức triển khai thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đồng thời, các đơn vị nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các chính sách giảm nghèo, trong đó, đề xuất nâng mức hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo; đề xuất chính sách cho vay đối với hộ có mức sống trung bình trên địa bàn thành phố từ nguồn ngân sách thành phố ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố; tiếp tục thực hiện các chính sách giúp hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội về y tế, giáo dục, nhà ở, bảo trợ xã hội; xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp,… nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Theo báo cáo, năm 2022, Đà Nẵng triển khai mức chuẩn nghèo đa chiều theo Nghị quyết số 76/2021/NQ-HĐND. Toàn thành phố có 12.036 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,01%/hộ dân cư, trong đó có 8.993 hộ nghèo còn sức lao động chiếm tỷ lệ 2,99%; có 5.111 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,70%/hộ dân cư. Ngoài ra, thành phố công nhận 879 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chiếm tỷ lệ 9,77%/tổng số hộ nghèo còn sức lao động đầu năm 2022 (8.993 hộ).
Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Thu Hương cho rằng, trong năm 2022, các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách của Trung ương đối với hộ nghèo, cận nghèo chuẩn thành phố. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục đầu tư nguồn lực, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù để giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững như: hỗ trợ xây mới nhà ở, với mức 50 triệu đồng/nhà; sửa chữa nhà với mức 20 triệu đồng/nhà; hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ lãi suất vay vốn hộ nghèo chuẩn thành phố bằng lãi suất hộ nghèo của trung ương; hỗ trợ 0% lãi suất đối với hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hỗ trợ 4 triệu đồng/hộ sau khi trả vốn vay đúng hạn; trợ cấp hàng tháng đối với người mắc bệnh hiểm nghèo, người già yếu, trẻ em mồ côi ốm đau thường xuyên thuộc hộ nghèo, hộ nghèo không còn sức lao động…
Đặc biệt, năm 2022, Hội đồng nhân dân thành phố thông qua chính sách hỗ trợ 20% chi phí khám chữa bệnh đối với hộ nghèo chuẩn thành phố, được hưởng quyền lợi 100% khám chữa bệnh như hộ nghèo chuẩn Trung ương. Năm 2022, tổng nguồn lực huy động hỗ trợ cho hộ nghèo gần 220,96 tỷ đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai kế hoạch giảm nghèo vẫn còn những khó khăn, tồn tại. Cụ thể, công tác giải quyết việc làm chưa đem lại thu nhập ổn định cho người nghèo, đào tạo nghề chưa được người nghèo quan tâm. Các mô hình giảm nghèo triển khai ở mức độ nhỏ lẻ, quy mô chưa lớn, thực hiện chủ yếu từ nguồn huy động cộng đồng, chưa thu hút nhiều đối tượng tham gia. Mức hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở còn thấp so với điều kiện kinh tế hiện nay; đánh giá hộ thoát nghèo nhưng chưa bền vững…/.