Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, thành phố Đà Nẵng đã đạt những kết quả quan trọng, củng cố và bước đầu phát huy vai trò là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng và cả nước.
Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đến năm 2030 xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á. Sau hơn 5 năm thực hiện, Đà Nẵng đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực công tác song còn gặp nhiều khó khăn. Để đạt được đích đến, Đà Nẵng triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát huy lợi thế, thúc đẩy tăng trưởng các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
* Phát huy vai trò là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, thành phố Đà Nẵng đã đạt những kết quả quan trọng, củng cố và bước đầu phát huy vai trò là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng và cả nước. Tuy nhiên, phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng còn nhiều khó khăn, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế, dư địa phát triển; các chỉ tiêu kinh tế đạt khá thấp so với Nghị quyết đề ra; quy mô kinh tế vẫn còn nhỏ, chưa tạo được lợi thế để bứt phá…
Kết luận số 79-KL/TW ngày 13/5/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã yêu cầu Đà Nẵng tập trung rà soát toàn diện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong triển khai thực hiện Nghị quyết…Nội dung chính của Kết luận 79-KL/TW là áp dụng chính thức và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị phù hợp, bảo đảm phân cấp đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ người dân, doanh nghiệp; rà soát, đánh giá các cơ chế, chính sách Quốc hội đã ban hành để sửa đổi, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố…
Trước mắt Đà Nẵng cần tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực để xây dựng thí điểm khu thương mại tự do; trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực; phát triển thành phố thành trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, trung tâm công nghệ cao của cả nước; trung tâm vùng về logistics, du lịch - dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo... Đà Nẵng cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực chính, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Kết luận của Bộ Chính trị tiếp tục yêu cầu xây dựng và phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước, đô thị biển quốc tế, đô thị du lịch lớn gắn với kinh tế biển; là trung tâm nghề cá hiện đại gắn với ngư trường Hoàng Sa và bảo vệ an ninh chủ quyền biển, đảo. Bên cạnh đó, Kết luận cũng đề cập đến việc chuyển đổi Khu công nghiệp Đà Nẵng thành Khu phố tài chính quốc tế An Đồn; chuyển đổi khu bến Tiên Sa thành trung tâm du lịch - dịch vụ biển; tiếp tục mở rộng Khu công nghệ cao Đà Nẵng cùng với các khu đô thị, dịch vụ vệ tinh trở thành tổ hợp khu đô thị - công nghệ cao sáng tạo, hiện đại, hạ tầng đồng bộ; khẩn trương triển khai có hiệu quả quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, vùng kinh tế động lực miền Trung; xây dựng huyện Hòa Vang trở thành đô thị vệ tinh.
Bộ Chính trị cũng yêu cầu Đà Nẵng tiếp tục đầu tư phát triển văn hóa, con người đồng bộ, ngang tầm với phát triển kinh tế, đưa hình ảnh thành phố Đà Nẵng văn minh, đậm đà bản sắc dân tộc đến gần hơn với bạn bè quốc tế; xây dựng “nếp sống văn hóa - văn minh đô thị”… Cùng với đó, tiếp tục mở rộng mạng lưới, quy mô giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; xây dựng Đại học Đà Nẵng trở thành Đại học Quốc gia; đầu tư hoàn thiện mạng lưới y tế …
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh, Kết luận số 79-KL/TW đã nêu rõ nhiệm vụ giao cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng, nhất là những vấn đề có tính cốt lõi, cần phấn đấu đạt được... Đây cũng là cơ sở để Quốc hội ban hành Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
* Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội
Kinh tế thành phố quý II/2024 của thành phố Đà Nẵng tăng trưởng 8,35%, 6 tháng tăng trưởng 5,0%. Hoạt động dịch vụ, du lịch tiếp tục phát triển mạnh mẽ, là động lực tăng trưởng quan trọng. Tổng thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt khá và cao hơn cùng kỳ năm 2023 (tăng 31,7%). Lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được chú trọng; thực hiện tốt các chương trình an sinh xã hội với nhiều chính sách vượt trội…
Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng: Năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo sự bứt phá để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố. Từ đầu năm, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt Nghị quyết của Thành ủy về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 gắn với chủ đề “Năm đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”.
Để hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024 và thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2024, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; quán triệt, triển khai thực hiện, sơ kết, tổng kết nghiêm túc, đầy đủ chủ trương, nghị quyết của Trung ương cũng như Thành ủy. Đà Nẵng thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển; ban hành Kế hoạch tổ chức đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội lần thứ XXIII Đảng bộ thành phố.
Chính quyền thành phố cũng tập trung triển khai chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tại phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý khó khăn, vướng mắc trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng, thi hành các bản án. Đà Nẵng tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và chủ đề năm 2024 gắn với cụ thể hóa thực hiện, phát huy các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố theo các Kết luận 77-KL/TW, 79-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời, Đà Nẵng tiếp tục rà soát, đánh giá tốc độ tăng trưởng GRDP, tập trung vào các ngành kinh tế chủ lực, mũi nhọn, có đóng góp quan trọng, những lĩnh vực có giảm sút để đưa ra giải pháp thúc đẩy, phấn đấu GRDP năm 2024 đạt mức tăng trưởng cao nhất...
Ngay từ đầu năm 2024, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã chủ động, tích cực phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng Đề án sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Thành phố chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố. Đây là những cơ sở nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của thành phố.../.