Xây dựng Đảng

Đại hội Đảng bộ Tập đoàn Dệt may Việt Nam: Từng bước làm chủ công nghệ cốt lõi và phát triển thương hiệu sản phẩm

Ngành Dệt may Việt Nam bứt tốc đạt 44 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, đồng thời mở rộng xuất khẩu sang 104 thị trường, đa dạng hóa khách hàng và mặt hàng.

Đại hội Đảng bộ Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhiệm kỳ 2025-2023. 
Ảnh: TTXVN phát

Sáng 4/7, tại Hà Nội, Đảng bộ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ IV nhiệm kỳ 2025-2030. Phó Bí thư Đảng ủy Chính phủ Lại Xuân Lâm dự và phát biểu chỉ đạo.

Đại hội có sự tham gia của 180 đại biểu từ 11 đảng bộ cơ sở và 7 chi bộ cơ sở.

Vượt qua khó khăn, mở rộng thị trường xuất khẩu

Khai mạc Đại hội, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay, Đại hội Đảng bộ các cấp trong toàn Tập đoàn đã được tổ chức theo đúng tinh thần Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị. Bí thư Đảng ủy Tập đoàn đề nghị các đại biểu phát huy trí tuệ và thẳng thắn, nhận thức và làm rõ tinh thần vượt khó khăn của Đảng bộ Tập đoàn; vai trò của công tác Đảng, của người đảng viên trong công tác xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị, sản xuất kinh doanh; những mục tiêu, nhiệm vụ, phương hướng phát triển của toàn Đảng bộ trong nhiệm kỳ tới…

Trình bày Báo cáo chính trị, đồng chí Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, Đảng bộ Tập đoàn Dệt May Việt Nam là đảng bộ cấp trên cơ sở, hoạt động theo mô hình Đảng bộ Công ty mẹ mở rộng. Đảng bộ Tập đoàn có 18 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc (gồm 11 đảng bộ cơ sở và 7 chi bộ cơ sở) với tổng số 1.546 đảng viên. Nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra nhiều biến động sâu rộng trên toàn cầu về kinh tế, đại dịch COVID-19… Nền kinh tế toàn cầu bắt đầu suy giảm trong năm 2020, khiến lần đầu tiên tổng cầu dệt may thế giới suy giảm nghiêm trọng, toàn bộ các đơn hàng sản xuất bị đình trệ, không có nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất. Xuất khẩu dệt may cũng lần đầu tiên ghi nhận mức suy giảm hơn 10% sau 30 năm mở cửa.

Khi thị trường toàn cầu giảm lạm phát, từng bước khôi phục, ngành Dệt may Việt Nam bứt tốc đạt 44 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, đồng thời mở rộng xuất khẩu sang 104 thị trường, đa dạng hóa khách hàng và mặt hàng. Tuy nhiên, ngành dệt may vẫn phải đối diện với nhiều thách thức trong chiến lược phát triển chung của toàn cầu, nổi bật là các tiêu chuẩn khắt khe tại thị trường lớn, cùng với đó là xu thế phát triển xanh, bền vững, số hóa...

Ngành Dệt may Việt Nam còn phải cạnh tranh với các quốc gia có chi phí lao động thấp. Các vấn đề về hạ tầng logistics, thiếu hụt và cạnh tranh lao động tại các trung tâm sản xuất, khu công nghiệp lớn gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất…

Đồng chí Lê Tiến Trường, Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Dệt may nhiệm kỳ 2025-2030 phát biểu. 
Ảnh: TTXVN phát

Tại Đại hội, các đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến về những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2020-2025; thảo luận, tham gia góp ý, đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu tổng quát cho nhiệm kỳ tới. Đó là phát triển với mức tăng trưởng 2 con số, chuyển dần trọng tâm từ phát triển nhanh sang phát triển xanh, bền vững. Đến năm 2030 sẽ chuyển sang phát triển hiệu quả, bền vững theo hướng kinh tế tuần hoàn và khẳng định chuỗi giá trị của ngành ở trong nước và trên thế giới; xây dựng thương hiệu và xuất khẩu hàng dệt may bằng chính thương hiệu của Việt Nam.

Các đại biểu nhất trí với các nội dung Báo cáo chính trị, phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, nhiệm vụ trọng tâm, các nhóm giải pháp thực hiện trong nhiệm kỳ 2025-2030; đồng thời xác định những nhiệm vụ đột phá.

Hoàn thiện quá trình tái cấu trúc sản xuất kinh doanh theo chuỗi khép kín

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Phó Bí thư Đảng ủy Chính phủ Lại Xuân Lâm ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những thành tích, kết quả đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua của Đảng bộ Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Trong nhiệm kỳ 2020-2025, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Đảng bộ Tập đoàn đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực lãnh đạo sáng tạo, sâu sát và linh hoạt. Tập đoàn đã hoàn thành và vượt toàn bộ 8/8 chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Đại hội lần thứ III đề ra. Đặc biệt, nhiều chỉ tiêu vượt xa mục tiêu kế hoạch như: tỷ lệ sản phẩm xanh đạt bình quân 25%, lợi nhuận tăng trưởng bình quân 31%/năm – cao hơn gấp đôi so với kế hoạch đề ra.

Tập đoàn cũng là một trong những doanh nghiệp nhà nước đi đầu trong thực hiện tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình sản xuất từ gia công đơn thuần sang mô hình sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn và từng bước hoàn thiện để chuyển đổi sản xuất. Việc đầu tư các trung tâm nghiên cứu, phát triển sản phẩm, phát triển dệt nhuộm, vải chức năng, sản phẩm xanh, đặc biệt là Trung tâm Phát triển sản phẩm và Kinh doanh Vinatex, là minh chứng cho chiến lược đúng đắn và khả năng thích ứng nhanh với xu thế toàn cầu hóa và phát triển bền vững.

Tập đoàn còn thể hiện vai trò hạt nhân chính trị tiêu biểu trong hệ thống doanh nghiệp nhà nước. Công tác xây dựng Đảng được đặc biệt coi trọng, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII, XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; gắn kết chặt chẽ giữa nhiệm vụ chính trị và xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Đồng chí Lại Xuân Lâm nêu rõ, bước sang nhiệm kỳ mới 2025-2030, đất nước đang trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nhanh và bền vững; phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn trở thành trụ cột chiến lược. Đó là yêu cầu bắt buộc với mọi ngành, mọi doanh nghiệp, nhất là những ngành có tính thâm dụng lao động cao như dệt may. Cùng lúc, các hiệp định thương mại thế hệ mới tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng áp lực cạnh tranh lớn từ các quốc gia có chi phí thấp và hạ tầng logistics tối ưu.

Trong bối cảnh đó, Đảng bộ Tập đoàn cần phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao năng lực lãnh đạo, giữ vững vai trò là doanh nghiệp đầu tàu ngành dệt may quốc gia.

Đặc biệt, trong thời gian qua, Bộ Chính trị đã ban hành 4 nghị quyết chuyên đề rất quan trọng (Nghị quyết số 57, 59, 66, 68) nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Nhấn mạnh nội dung này, Phó Bí thư Đảng ủy Chính phủ Lại Xuân Lâm đề nghị Đảng bộ Tập đoàn tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể gồm: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng; xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện, Đảng bộ cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII), Kết luận 21-KL/TW, Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên; tăng cường trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt chi bộ, chú trọng phát triển đảng viên mới có chất lượng…

Nêu bật tầm quan trọng của việc đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đảm bảo vị thế doanh nghiệp nhà nước đầu ngành, đồng chí Lại Xuân Lâm yêu cầu tập trung hoàn thiện quá trình tái cấu trúc sản xuất kinh doanh theo chuỗi khép kín: Sợi - Dệt - Nhuộm - May - Thương mại, từng bước làm chủ công nghệ cốt lõi và phát triển thương hiệu sản phẩm.

Cùng với đó là đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trong quản trị doanh nghiệp, logistics, quản lý năng suất lao động, tài chính và chăm sóc khách hàng. Tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tăng tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu và sản phẩm có truy xuất nguồn gốc để được hưởng ưu đãi thuế quan. Tập trung đầu tư vào các sản phẩm đặc thù có giá trị gia tăng cao, nghiên cứu phát triển vải kỹ thuật, thời trang xanh, đáp ứng xu thế tiêu dùng mới của thế giới. Đồng thời, tăng cường mở rộng thị trường nội địa và quốc tế, phát triển các kênh thương mại điện tử.

Đồng chí Lại Xuân Lâm nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục quan tâm hơn nữa việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển văn hóa doanh nghiệp, đảm bảo việc làm và đời sống người lao động. Ngành Dệt may là ngành sử dụng nhiều lao động, do đó phải coi yếu tố con người là trung tâm trong mọi chiến lược phát triển. Tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo nội bộ, nâng cao kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ, quản trị và thích ứng số cho cán bộ, người lao động. Quan tâm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, bảo hộ lao động, phòng, chống tai nạn nghề nghiệp, cải thiện môi trường làm việc và phát triển đời sống tinh thần cho người lao động.

Nêu rõ văn hóa doanh nghiệp cần tiếp tục được lan tỏa mạnh mẽ, nhất là trong giai đoạn đổi mới hội nhập, hướng đến các giá trị: Kỷ luật - Sáng tạo - Tôn trọng - Hợp tác - Phát triển bền vững, đồng chí Lại Xuân Lâm nhấn mạnh, Tập đoàn cần tăng cường phát huy vai trò của tổ chức Đảng trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, gắn công tác xây dựng Đảng với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh. Trong đó kế hoạch kinh doanh của Tập đoàn phải cụ thể hóa và bám sát vào các mục tiêu, nhiệm vụ, nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tập đoàn đã đề ra. Tổ chức Đảng phải thật sự là bộ chỉ huy, trung tâm đoàn kết, quy tụ tinh hoa trí tuệ, là hạt nhân chính trị trong doanh nghiệp…

Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn Dệt may Việt Nam lần thứ IV, nhiệm kỳ 2025-2030 ra mắt đại hội. 
Ảnh: TTXVN phát

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn Dệt may Việt Nam lần thứ IV, nhiệm kỳ 2025-2030 gồm 23 đồng chí. Tại phiên họp thứ nhất trưa cùng ngày, Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn Dệt may Việt Nam lần thứ IV đã bầu Ban Thường vụ gồm 7 đồng chí. Đồng chí Lê Tiến Trường được bầu làm Bí thư Đảng ủy.

Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn bầu Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Tập đoàn gồm 7 đồng chí.

Chiều cùng ngày, Đại hội tiến hành bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng bộ Chính phủ lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2025-2030./.

Hoàng Thị Hoa

Tin liên quan

Xem thêm