Xây dựng Đảng

Sức mạnh của đoàn kết: Nền tảng phát triển bền vững đất nước

Nhiều đảng viên, chuyên gia cho rằng trong bối cảnh hội nhập quốc tế và đối mặt với nhiều thách thức mới, tinh thần đoàn kết càng trở nên cấp thiết. Đó là nền tảng để củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận xã hội và thúc đẩy phát triển bền vững đất nước.

Ông Lê Ngọc Dũng, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam đề xuất đẩy mạnh các phong trào kết nối cộng đồng sáng tạo, thúc đẩy hợp tác giữa các làng nghề, nghệ nhân và doanh nghiệp trẻ.

Trong bài viết “Sức mạnh của đoàn kết”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, giữ gìn đoàn kết chính là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là điều kiện tiên quyết để mọi công việc cải cách khác diễn ra thuận lợi. Nhiều đảng viên, chuyên gia cho rằng trong bối cảnh hội nhập quốc tế và đối mặt với nhiều thách thức mới, tinh thần đoàn kết càng trở nên cấp thiết. Đó là nền tảng để củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận xã hội và thúc đẩy phát triển bền vững đất nước.

*Lan toả giá trị văn hoá và thương hiệu Việt

Ông Lê Ngọc Dũng, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam.
Ảnh: TTXVN phát

Chia sẻ góc nhìn từ lĩnh vực văn hóa và kinh tế sáng tạo, ông Lê Ngọc Dũng, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam bày tỏ tâm đắc với bài viết “Sức mạnh của đoàn kết” của Tổng Bí thư Tô Lâm. Theo ông, bài viết thể hiện tầm nhìn chiến lược, tư duy sâu sắc và đạo lý nhân văn xuyên suốt trong tư tưởng của Đảng, coi đại đoàn kết toàn dân tộc là cội nguồn sức mạnh, là nền tảng vững chắc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Bài viết không chỉ kế thừa di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về khối đại đoàn kết toàn dân mà còn mở ra định hướng thiết thực để phát huy tinh thần ấy trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng vào đời sống khu vực và quốc tế, song cũng đối mặt với nhiều khó khăn như biến đổi khí hậu, phân hóa giàu nghèo, tệ nạn xã hội, âm mưu “diễn biến hòa bình”.

Ông Lê Ngọc Dũng cho rằng, để phát huy được sức mạnh đoàn kết trong tổ chức hội và các hoạt động xã hội, điều quan trọng nhất là phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất từ trên xuống dưới, từ các đồng chí lãnh đạo cấp cao đến từng cán bộ, hội viên ở cơ sở. “Muốn phát huy được sức mạnh đoàn kết, trước hết mỗi cán bộ, hội viên, mỗi người làm nghề phải gương mẫu trong hành động, trong đời sống và trong công việc. Có như vậy mới tạo được sự thống nhất và lan tỏa trong tổ chức, để từ đó tạo ra những sản phẩm có giá trị, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng đất nước,” ông Lê Ngọc Dũng nhấn mạnh.

Tinh thần đoàn kết, theo ông, không chỉ là khẩu hiệu mà cần được cụ thể hóa bằng hành động thực tiễn, từ tôn vinh nghệ nhân, phát triển làng nghề, xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt, đến tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Đó là cách để mỗi cá nhân thấy rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong sự nghiệp gìn giữ văn hóa dân tộc, đồng thời góp phần nâng cao hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.

Riêng đối với Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam, ông Lê Ngọc Dũng cho biết, thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục lan tỏa tinh thần đại đoàn kết trong mọi hoạt động, đặc biệt là đẩy mạnh các phong trào kết nối cộng đồng sáng tạo, thúc đẩy hợp tác giữa các làng nghề, nghệ nhân và doanh nghiệp trẻ. Việc hình thành các liên minh ngành nghề là bước đi quan trọng để gắn kết truyền thống với hiện đại, phát huy nội lực sáng tạo, đưa sản phẩm Việt phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

* Đoàn kết - giá trị cốt lõi

Ông Hoàng Hà Thế, cán bộ thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk.
Ảnh: TTXVN phát

Ông Hoàng Hà Thế, cán bộ thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk cho rằng, trong suốt chiều dài lịch sử, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc luôn là cội nguồn sức mạnh giúp Việt Nam vượt qua mọi thử thách cam go. Từ cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc đến công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, mỗi thành quả đều gắn liền với sự đồng lòng, đồng sức của toàn dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Lời dạy ấy đã trở thành kim chỉ nam trong tư duy và hành động của Đảng và Nhân dân ta.

Ông Hoàng Hà Thế cho rằng bài viết “Sức mạnh của đoàn kết” của Tổng Bí thư Tô Lâm đã kế thừa sâu sắc tư tưởng đó, đồng thời nhấn mạnh rằng đoàn kết vẫn luôn là sức mạnh vô địch của cách mạng Việt Nam trong mọi thời kỳ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và chuyển đổi số mạnh mẽ, việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc đang đứng trước nhiều thách thức mới.

Một trong những thách thức đáng chú ý, theo ông Hoàng Hà Thế, đó là hệ quả của toàn cầu hóa và chuyển đổi số khiến sự phân hóa xã hội ngày càng rõ rệt. Chênh lệch về thu nhập, điều kiện sống, trình độ tiếp cận công nghệ giữa các vùng miền có thể gây ra khoảng cách, tạo tâm lý mặc cảm và mất niềm tin nếu thiếu chính sách điều tiết phù hợp. Bên cạnh đó, không gian mạng mở rộng trở thành môi trường để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Thông tin sai lệch, thù hận, cực đoan lan truyền nhanh chóng nếu không được kiểm soát có thể làm xói mòn lòng tin xã hội.

Ngoài ra, một bộ phận giới trẻ hiện nay đang chịu tác động mạnh mẽ của lối sống tiêu dùng hiện đại, có xu hướng xa rời những giá trị truyền thống như lòng yêu nước, gắn bó cộng đồng, tương thân tương ái. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải xây dựng niềm tin, củng cố đoàn kết trong thế hệ kế cận.

Từ thực tiễn tại địa phương, ông Hoàng Hà Thế chia sẻ một số cách làm cụ thể nhằm lan tỏa tinh thần đoàn kết. Tại Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, các nội dung về lòng yêu nước, ý thức cộng đồng, tinh thần đoàn kết được lồng ghép trong các kỳ giao ban và hội nghị định kỳ. Liên hiệp cũng duy trì chuyên trang “Trí thức với tinh thần đoàn kết dân tộc” trên cổng thông tin điện tử của đơn vị, giúp đội ngũ trí thức nhận thức sâu sắc hơn về vai trò của đoàn kết trong sự nghiệp cách mạng.

Đặc biệt, Liên hiệp chú trọng giáo dục giá trị sống cho thế hệ trẻ thông qua các sân chơi khoa học như Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật (2 năm/lần), Cuộc thi Sáng tạo Thanh, Thiếu niên, Nhi đồng (1 năm/lần). Những hoạt động này không chỉ phát huy khả năng sáng tạo mà còn xây dựng tinh thần hợp tác, sẻ chia. Ngoài ra, việc phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức các chiến dịch “Thanh niên tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh”, “Tiếp sức đến trường” cũng góp phần kết nối học sinh, sinh viên, khơi dậy tinh thần sống vì cộng đồng.

Đồng thời, Liên hiệp tích cực tận dụng nền tảng mạng xã hội để lan tỏa thông điệp tích cực. Trang fanpage của đơn vị đăng tải các câu chuyện đẹp, gương sáng trí thức, học sinh, sinh viên, góp phần xây dựng hình ảnh một cộng đồng đoàn kết, văn minh, nhân ái./.

Lý Thị Thanh Hương

Tin liên quan

Xem thêm