Theo Đại sứ Malaysia tại Việt Nam, chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Thủ tướng Anwar Ibrahim sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương giữa hai nước, đặc biệt là về kinh tế.
TTXVN - Theo Thông cáo của Bộ Ngoại giao, nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Phu nhân sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 20 đến ngày 21/7.
Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Anwar Ibrahim tới Việt Nam kể từ khi nhậm chức vào tháng 12/2022.
Nhân dịp này, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Malaysia tại Việt Nam Dato’ Tan Yang Thai đã trả lời phỏng vấn báo chí về các nội dung liên quan đến chuyến thăm và quan hệ hợp tác hai nước.
*Phóng viên: Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyến thăm chính thức Việt Nam sắp tới của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim?
*Đại sứ Dato’ Tan Yang Thai: Đây là chuyến thăm quan trọng của Thủ tướng Anwar Ibrahim tới Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính kể từ khi Thủ tướng Anwar lên nắm quyền vào cuối năm ngoái.
Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Anwar Ibrahim tới Việt Nam. Điểm nhấn quan trọng của chuyến thăm là diễn ra vào năm hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ song phương. Tôi hy vọng chuyến thăm này sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương giữa hai nước, đặc biệt là về kinh tế, vì có rất nhiều việc có thể làm và hợp tác vì lợi ích của cả hai nước.
*Phóng viên: Việt Nam và Malaysia đang có những bước phát triển tốt đẹp. Đại sứ có thể chia sẻ những đánh giá của mình về quan hệ hợp tác hai nước trong thời gian qua?
*Đại sứ Dato’ Tan Yang Thai: Quan hệ song phương thực sự đã có một khởi đầu rất tốt đẹp vào năm 2015 khi cả hai nước nâng tầm quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược. Tôi nghĩ điều này rất có ý nghĩa đối với cả hai nước.
Năm 2022 vừa qua cũng rất có ý nghĩa đối với các nước chúng ta khi thương mại song phương đạt kỷ lục 19,3 tỷ USD. Và điều này càng có ý nghĩa hơn, khi Malaysia đứng thứ ba trong ASEAN về thương mại với Việt Nam.
Malaysia cũng đóng vai trò là nhà đầu tư quan trọng đối với Việt Nam. Bởi thực tế doanh nhân Malaysia đến Việt Nam khá sớm vào cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, và đang hiện diện trong nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế Việt Nam như tài chính, sản xuất, nhà máy điện, phát điện, phát triển bất động sản... Chúng tôi biết rằng xu hướng này sẽ tiếp tục khi ngày càng có nhiều công ty Malaysia đến đây và tìm kiếm nhiều cơ hội hơn.
Chúng tôi cũng hoan nghênh các doanh nghiệp Việt Nam sang Malaysia để tìm hiểu cơ hội, vì với tốc độ phát triển nhanh của nền kinh tế, Việt Nam cũng có khả năng đầu tư vào các nước khác. Các tập đoàn lớn của Việt Nam như Vingroup có khả năng vươn xa hơn, hướng tới thị trường ASEAN.
Tôi nghĩ điều này rất có ý nghĩa. Đây là những gì chúng tôi muốn hiện thực hóa, đặc biệt là trong chuyến thăm tới đây của Thủ tướng Anwar Ibrahim, bởi trong chuyến thăm sẽ có một diễn đàn doanh nghiệp và điều này sẽ giúp phái đoàn của chúng tôi tìm hiểu về tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam và thúc đẩy hợp tác.
*Phóng viên: Thị trường thực phẩm Halal (thực phẩm đạt chứng nhận sử dụng theo Luật Hồi giáo) có doanh thu hàng nghìn tỷ USD khiến cả những quốc gia phi Hồi giáo đều tìm cơ hội kinh doanh. Tuy nhiên, Việt Nam có lợi thế lớn nhưng lại chưa tận dụng tiếp cận thị trường này. Theo Đại sứ, Việt Nam cần làm gì để tận dụng cơ hội này?
*Đại sứ Dato’ Tan Yang Thai: Về sản phẩm Halal, tôi nghĩ Việt Nam cần hiểu rõ hơn về khái niệm Halal, cũng như ý nghĩa của việc làm thế nào để sản xuất một sản phẩm Halal.
Bởi vì nếu bạn có chứng chỉ Halal, bạn có thể có thị trường mới, đặc biệt là ở Trung Đông, các quốc gia Hồi giáo, Ấn Độ, Malaysia, thậm chí ở Indonesia, nơi có phần lớn dân số theo đạo Hồi.
Chúng tôi luôn tìm kiếm các sản phẩm được chứng nhận Halal. Bên cạnh thực phẩm, còn có mỹ phẩm, thuốc, và các sản phẩm khác. Vì vậy, đây là một ngành công nghiệp khá lớn. Tuy nhiên, nó không phải là một lĩnh vực kinh doanh dễ nắm bắt, bởi vì bạn cần tìm hiểu về nó.
Thủ tướng của chúng tôi sẽ đưa rất nhiều chuyên gia trong ngành công nghiệp Halal tới Việt Nam trong chuyến thăm này. Chúng tôi rất mong được hỗ trợ Việt Nam phát triển các sản phẩm Halal để các bạn có thể có mối quan hệ thương mại tốt hơn với thị trường này. Tôi nghĩ rằng điều này rất quan trọng. Thủ tướng Anwar Ibrahim có mối liên hệ rất tốt với cộng đồng Hồi giáo cũng như các học giả, đó là một trong những lý do tại sao tôi nghĩ Việt Nam nên tận dụng cơ hội này để thúc đẩy hợp tác hơn nữa với Malaysia về phát triển sản phẩm Halal.
Nếu Việt Nam có thể chế biến nông sản, đóng gói thành sản phẩm Halal, khi đó cơ hội tiếp cận thị trường sản phẩm này sẽ rất lớn.
*Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!