Hội nhập

Phú Thọ nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu về phát triển hạ tầng số

Phú Thọ

Đến nay, hệ thống một cửa điện tử, cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Phú Thọ được triển khai đồng bộ, thống nhất đến 100% các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã.

TTXVN - Trong số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, Phú Thọ đã vươn lên xếp thứ 23 về chuyển đổi số cấp tỉnh; thứ 21 về chính quyền số; xếp thứ 13 về kinh tế số (tăng 5 bậc so với năm 2021); xếp thứ 20 (tăng 4 bậc so với năm 2021) về xã hội số và nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu về phát triển hạ tầng số trên cả nước.

Đây là kết quả đạt được sau nhiều năm Phú Thọ nỗ lực triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia và thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử (Đề án 06).

Theo UBND tỉnh, đến nay hệ thống một cửa điện tử, cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh được triển khai đồng bộ, thống nhất đến 100% các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã; đảm bảo các điều kiện về kỹ thuật, thực hiện kết nối liên thông với các hệ thống cơ sở dữ liệu theo yêu cầu của Chính phủ. Hệ thống đã cung cấp 1.991 thủ tục hành chính; trong đó, dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 33,5%, dịch vụ công trực tuyến một phần đạt 43,4%. Hệ thống cũng thực hiện kết nối liên thông 1.116 thủ tục hành chính với Cổng dịch vụ công quốc gia với tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trực tuyến đạt trên 71%, tăng 13% so với năm 2022. Bên cạnh đó, 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh (trừ văn bản mật) được thực hiện dưới dạng điện tử.

Đối với phát triển kinh tế số, xã hội số, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng các giải pháp chuyển đổi số nâng cao hoạt động kinh doanh với 12 doanh nghiệp đại diện cho các nhóm, loại hình khác nhau đã được lựa chọn để thí điểm các nền tảng công nghệ. 100% doanh nghiệp của tỉnh đã sử dụng hóa đơn điện tử; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông xuất khẩu các sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện tổng giá trị ước đạt 3,17 tỷ USD. Cùng với đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc. Đến nay, một số cơ sở dữ liệu đã được xây dựng bao gồm các lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật; chăn nuôi, thú y; lâm nghiệp; thủy sản; thủy lợi; phát triển nông thôn; quản lý chất lượng nông lâm thủy sản.

Đối với thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06, Phú Thọ đã hoàn thành việc cấp thẻ căn cước cho công dân đủ điều kiện. 789.646 tài khoản định danh điện tử đã được cấp, đạt 94% so với yêu cầu. Toàn tỉnh đã nhập liệu 315.923 hồ sơ dữ liệu Hộ tịch trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đạt 23,5%. Đối với Cơ sở dữ liệu địa chính, đến nay đã đo đạc, lập bản đồ địa chính được 129/225 xã, thị trấn của 13 huyện, thành, thị.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, đến nay 95% đơn vị cấp sở, cấp huyện, 100% đơn vị cấp xã đã bố trí cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tham mưu triển khai chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị. Toàn tỉnh đã thành lập 2.356 tổ công nghệ số cộng đồng với 7.454 thành viên, đạt 100% các xã, phường, thị trấn; tổ chức đào tạo trực tuyến khóa bồi dưỡng về chuyển đổi số cho 509 cán bộ lãnh đạo UBND cấp xã thông qua nền tảng học trực tuyến tại địa chỉ: https://onetouch.edu.vn.

75 hệ thống thông tin trong các cơ quan nhà nước của tỉnh đã được phê duyệt cấp độ an toàn thông tin. 100% hệ thống thông tin cấp sở, cấp huyện được kết nối dữ liệu tới Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng (SOC) của tỉnh. 100% các cơ quan, đơn vị bố trí máy tính riêng soạn thảo văn bản mật theo quy định; trên 75% máy tính của cơ quan, đơn vị được cài đặt phần mềm diệt vi rút có bản quyền.

Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang, Trưởng ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 tỉnh triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số và Đề án 06 cho biết, thời gian tới, về xây dựng chính quyền số, tỉnh sẽ đẩy mạnh và nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; thực hiện rà soát, đơn giản hóa, chuẩn hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính.

Tỉnh cũng sẽ chỉ đạo Trung tâm phục vụ hành chính công, Bộ phận Một cửa điện tử cấp huyện, cấp xã đẩy mạnh triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; đảm bảo 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa, lưu trữ trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh. Các sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu của tỉnh, bao gồm cơ sở dữ liệu dân cư, cơ sở dữ liệu địa chính, cơ sở dữ liệu hộ tịch, xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Về phát triển kinh tế số và xã hội số, tỉnh tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng các giải pháp chuyển đổi số phục vụ sản xuất kinh doanh. Đối với Đề án 06, Chủ tịch UBND tỉnh giao Công an tỉnh chủ trì phối hợp với các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cấp và kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cho công dân để khai thác tối đa các tiện ích trong các dịch vụ hành chính công…/.

PV

Tin liên quan

Xem thêm