Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam Kees van Baar cho rằng trong 50 năm qua, từ một đối tác phát triển, Hà Lan nay đã trở thành đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu.
TTXVN - Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hà Lan (9/4/1973 - 9/4/2023), Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam Kees van Baar đã trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) về thành tựu quan hệ hai nước trong 50 năm qua
* Phóng viên: Xin Đại sứ đánh giá về quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hà Lan trong 50 năm qua kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai bên cần phải làm gì để mối quan hệ này ngày càng phát triển tốt đẹp hơn trong thời gian tới?
* Đại sứ Kees van Baar : Tôi cho rằng hai nước có quan hệ chặt chẽ, nhiều mặt và đang tiếp tục phát triển. Hà Lan và Việt Nam đã ủng hộ lẫn nhau cả trong những lúc thuận lợi và khó khăn, trở thành các đối tác tin cậy của nhau. Trong 50 năm qua, từ một đối tác phát triển, Hà Lan nay đã trở thành đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu.
Việt Nam và Hà Lan có nhiều điểm chung. Cả hai nước đều có nền kinh tế dựa vào thương mại và đầu tư quốc tế, có các đồng bằng châu thổ rộng lớn, đều đối mặt với các thách thức về nước và biến đổi khí hậu nghiêm trọng, và ngành nông nghiệp hai nước đều có định hướng xuất khẩu. Là các quốc gia nhỏ, cả hai nước đều đã học cách phát huy pháp quyền quốc tế và hệ thống quan hệ đa phương.
Hợp tác hai nước không chỉ dừng lại ở cấp độ chính phủ (với những chuyến thăm cấp cao gần đây nhất của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đến Việt Nam năm 2019 và chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đến Hà Lan năm 2022), mà mối quan hệ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội dân sự của hai nước cũng rất chặt chẽ và sâu sắc. Tôi cảm thấy tự hào trước những dấu ấn quan trọng và bền vững của Hà Lan trên nhiều lĩnh vực tại Việt Nam, từ ngôi trường Hà Nội Amsterdam đến các chương trình hợp tác về nước, nông nghiệp và khí hậu giữa các trường đại học tại Hà Nội, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh với các đối tác Hà Lan, từ bản quy hoạch vùng đồng bằng châu thổ của Hà Lan đã truyền cảm hứng đến Nghị quyết 120 của Chính phủ Việt Nam và sau đó là Quy hoạch Tổng thể vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Doanh nghiệp Hà Lan còn triển khai tại Việt Nam những dự án đầu tư chất lượng như sáu nhà máy bia và hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn của Heineken Việt Nam, các nhà máy thức ăn gia súc và trung tâm nghiên cứu của DeHeus Việt Nam, tàu lai dắt chạy hoàn toàn bằng điện đầu tiên trên thế giới đã được sản xuất tại nhà máy đóng tàu Damen Sông Cấm, hay Friesland Campina Việt Nam và thương hiệu sữa nổi tiếng “Cô gái Hà Lan” (Dutch Lady).
Năm 2023 đánh dấu 50 năm quan hệ song phương Việt Nam - Hà Lan. Trong năm đặc biệt này, hai nước mong muốn kỷ niệm quan hệ chặt chẽ thông qua thúc đẩy hợp tác sâu hơn về các giải pháp công nghệ đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nước, logistics, công nghệ cao, năng lượng xanh và kinh tế tuần hoàn, cũng như trao đổi văn hóa và giao lưu nhân dân.
* Phóng viên: Theo Đại sứ, hai nước cần làm gì để khai thác cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại, đầu tư song phương?
* Đại sứ Kees van Baar: Hà Lan là điểm đến xuất khẩu hàng hóa lớn nhất tại EU của Việt Nam, trong đó Việt Nam ở vị thế xuất siêu lớn. Thương mại hai nước đang tiếp tục tăng trưởng nhờ các điều kiện thuận lợi do Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư EU - Việt Nam (EVIPA) mang lại. Cho đến nay, Việt Nam và Singapore là hai quốc gia duy nhất trong khu vực ASEAN ký kết những hiệp định thương mại và đầu tư như vậy với EU. Đây là những công cụ hiện đại và hiệu quả nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư bền vững, cũng như đảm bảo quyền con người, các tiêu chuẩn môi trường và lao động.
Trên hết, các quy định khác của EU sắp có hiệu lực thi hành yêu cầu các nhà xuất khẩu tuân thủ các tiêu chuẩn ESG (môi trường - xã hội - quản trị). Vì vậy, sự lành mạnh của môi trường sản xuất kinh doanh và phúc lợi của người lao động cần được coi trọng, không chỉ trong các nhà máy mà ngay tại các đơn vị tham gia vào chuỗi giá trị. Những yếu tố này rất quan trọng, nhưng việc thực hiện chúng không hề đơn giản. Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam (DBAV), với sự hỗ trợ của Chính phủ Hà Lan và Việt Nam, đang triển khai chương trình “Sẵn sàng xuất khẩu” (Ready to Export) giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tăng cường năng lực kinh doanh tại châu Âu.
Về đầu tư, Hà Lan hiện là nhà đầu tư châu Âu lớn nhất tại Việt Nam với tổng giá trị các dự án đạt 14 tỷ USD. Như tôi đã đề cập, các doanh nghiệp Hà Lan mang đến những đổi mới và giải pháp bền vững đóng góp vào quá trình chuyển đổi kinh tế xanh của Việt Nam. Để tận dụng các quan hệ đầu tư mới, Việt Nam cần tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài bền vững, cũng như cần phát triển các cơ chế xanh như cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) hay xây dựng thị trường tín chỉ carbon trong nước phù hợp với thị trường mua bán carbon quốc tế.
Phóng viên: Năm 2010, Việt Nam và Hà Lan thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước. Năm 2014, hai nước thiết lập Đối tác chiến lược về Nông nghiệp bền vững và An ninh lương thực. Đại sứ đánh giá thế nào về các dự án hợp tác giữa hai nước trong những lĩnh vực này thời gian qua và triển vọng trong thời gian tới?
* Đại sứ Kees van Baar: Cũng giống như Việt Nam, Hà Lan phải đối mặt với nhiều thách thức về nước như ngập lụt, hạn hán, ô nhiễm, hay nhiễm mặn, và Hà Lan cũng đang phải chịu tác động nghiêm trọng của mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu. Nền kinh tế của chúng ta phần lớn dựa vào ngành nông nghiệp và những người nông dân chăm chỉ. Các Hiệp định quan hệ đối tác chiến lược (SPA) là những cam kết của Việt Nam và Hà Lan trong việc cùng nhau thích ứng với các thách thức về nước và khí hậu, phát triển nền nông nghiệp bền vững.
Với tư cách là Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam, tôi rất tự hào khi thấy Quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long, được xây dựng với sự hỗ trợ của các chuyên gia Hà Lan, là nguồn cảm hứng để Chính phủ Việt Nam xây dựng Nghị quyết 120 và Quy hoạch tổng thể vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các chỉ thị và văn bản điều hành này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc sử dụng các giải pháp mang tính tổng hợp và thuận nhiên. Những văn bản này đồng thời kêu gọi sự phối hợp của chính quyền trung ương và địa phương nhằm phát triển khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long một cách tích cực và bền vững.
Tôi nghĩ việc tận dụng nhiều hơn các giải pháp thuận thiên cũng rất quan trọng. Các giải pháp của chúng ta sẽ bền vững hơn về lâu dài khi thuận theo tự nhiên thay vì chống lại. Hiện tượng xói mòn bờ biển ở Đồng bằng Sông Cửu Long là một ví dụ rất điển hình. Để bảo tồn bờ biển, chúng ta nên hạn chế khai thác, và tăng cường trồng rừng ngập mặn bởi rừng ngập mặn giúp giữ lại đất ven bờ. Bên cạnh đó, rừng ngập mặn là môi trường lý tưởng để nuôi trồng thủy sản, hấp thụ carbon, góp phần giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về khí hậu.
Sự hợp tác giữa hai nước tiếp tục phát triển không chỉ dừng lại ở mối quan hệ trong nông nghiệp và thủy lợi, mà còn kết nối với các lĩnh vực khác như hậu cần thông minh, giải pháp tuần hoàn, xử lý chất thải, vận tải đường thủy nội địa, phát triển cảng biển để tạo điều kiện cho các sản phẩm từ đồng bằng sông Cửu Long tiếp cận tốt hơn và nhanh hơn đến các địa phương khác của Việt Nam và đi ra thị trường quốc tế.
Ngoài ra, Việt Nam sẽ cần xây dựng cơ chế riêng để nâng cao khả năng chống chịu của Đồng bằng sông Cửu Long. Hà Lan sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam với các mô hình về tài chính và hợp tác với Chính phủ Việt Nam để cải thiện nguồn tài chính công cũng như thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân để phát triển đồng bằng.
* Phóng viên: Xin đại sứ cho biết một vài điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước?
* Đại sứ Kees van Baar: Các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước thực tế đã được khởi động từ năm trước với chuyến công tác Việt Nam của Bộ trưởng phụ trách Ngoại thương và Hợp tác phát triển Hà Lan, bà Liesje Schreinemacher, và chuyến thăm Hà Lan của Thủ tướng Phạm Minh Chính, cùng nhiều phái đoàn thương mại lớn. Trong thời gian tới, Chính phủ Hà Lan sẽ tiếp tục các chương trình nghị sự với các hoạt động và sự kiện có ý nghĩa trong lĩnh vực quản lý nước và chất thải, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, công nghệ cao, hậu cần, năng lượng xanh,v.v.
Mối quan hệ của hai nước không chỉ dừng lại trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Đã có rất nhiều hoạt động trao đổi văn hóa phong phú giữa Việt Nam và Hà Lan, đáng chú ý nhất là trong lĩnh vực âm nhạc và nhiếp ảnh. Một trong những dự án nổi bật của chúng tôi trong những năm gần đây là triển lãm Ảnh Báo chí Thế giới. Hà Lan hy vọng có thể tiếp tục hợp tác với các đối tác Việt Nam để mang đến Việt Nam những triển lãm quan trọng như vậy trong tương lai. Trong khuôn khổ kỷ niệm 50 năm quan hệ song phương, chúng tôi hy vọng sẽ tăng cường các hoạt động để thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ ngoại giao văn hóa tốt đẹp này.
Chúng ta có thể nhìn thấy một tương lai đầy hứa hẹn của việc hợp tác song phương giữa hai nước trong những năm tới đây. Chúng tôi mong muốn hợp tác với Việt Nam vì lợi ích chung của hai quốc gia, hai dân tộc, thông qua việc kết nối các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, viện nghiên cứu và quan trọng nhất là nhân dân hai nước. Tôi cảm thấy vinh dự khi có thể đóng góp một phần công sức của mình vào việc xây dựng mối quan hệ này trong những năm tới đây.
* Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại sứ!