Khu Di tích lịch sử - văn hóa Đồn điền CADA sẽ mở cửa đón khách các ngày trong tuần.
TTXVN - Ngày 2/3, UBND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) tổ chức cắt băng khánh thành, mở cửa hoạt động đón tiếp du khách tại Khu Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Đồn điền CADA và Lễ phát động hiến tặng các hiện vật trưng bày, trồng cây xanh tại khu di tích.
Khu Di tích lịch sử - văn hóa Đồn điền CADA (xã Ea Yông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) được xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia vào tháng 1/1999. CADA là tên viết tắt của cụm từ tiếng Pháp, có nghĩa là Công ty nông nghiệp Á châu. Theo các ghi chép lịch sử, CADA là đồn điền do thực dân Pháp lập nên trong quá trình khai thác thuộc địa lần thứ 2 ở Đông Dương để khai thác, bóc lột người và của tại Đắk Lắk, là nơi hình thành nên giai cấp công nhân đầu tiên của tỉnh.
Trong không khí sục sôi những ngày cách mạng tháng Tám năm 1945, CADA là nơi ra đời chính quyền Cách mạng đầu tiên ở cấp cơ sở trong tỉnh. Vào tháng 5/1945, tại Đồn điền CADA đã xây dựng được chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên do đồng chí Phan Kiệm (nguyên Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk, nguyên quyền Tư lệnh kiêm Chính ủy Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, nguyên Phó Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn) phụ trách, tập hợp lực lượng của các tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc. Cũng từ nơi đây, phong trào đấu tranh của công nhân đã được nhân rộng ra các đồn điền khác trong tỉnh, góp phần tích cực vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước.
Sáng 18/8/1945, lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột cờ trước trụ sở Ủy ban Cách mạng lâm thời của đồn điền. Nơi đây ghi dấu sự ra đời và trưởng thành vững chắc của chính quyền Việt Minh, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975 ở tỉnh Đắk Lắk. Hiện nay, di tích lịch sử CADA có tổng diện tích, khoanh vùng các khu vực bảo vệ là gần 44.000 m2; trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách và là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk Nguyễn Thị Kim Oanh cho biết, thời gian qua, Khu Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Đồn điền CADA được đầu tư, tôn tạo. Đến nay, địa phương tiếp nhận 60 hiện vật của các đơn vị hiến tặng; trong đó nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa gắn với địa danh CADA và vùng đất Krông Pắk. Cùng với đó, huyện tổ chức xã hội hóa trồng 250 cây xanh các loại để làm đẹp cảnh quan, chỉnh trang, tôn tạo khu di tích ngày càng hoàn thiện.
Dịp này, UBND huyện Krông Pắk ra mắt Tổ quản lý Di tích CADA để thực hiện việc đón khách đến tham quan, tìm hiểu văn hóa lịch sử truyền thống của vùng đất Krông Pắk. Di tích mở cửa phục vụ người dân, du khách tất cả các ngày trong tuần nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của Khu Di tích - địa chỉ đỏ của phong trào công nhân đồn điền Đắk Lắk, nơi ghi dấu ấn sự đóng góp, hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; qua đó góp phần giáo dục lịch sử truyền thống cho các thế hệ mai sau.
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh nhấn mạnh, huyện Krông Pắk tham gia hưởng ứng Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột bằng chuỗi hoạt động du lịch trải nghiệm trồng, chăm sóc và chế biến cà phê. Di tích lịch sử Đồn điền CADA là điểm đến quan trọng trong chuỗi hoạt động trải nghiệm, là nơi kết nối quá khứ và hiện tại trong quá trình cây cà phê bén rễ, phát triển trên vùng đất Tây Nguyên. Khuôn viên di tích sẽ là địa điểm tổ chức các hoạt động triển lãm ảnh về đời sống, liên hoan văn hóa - thể thao các dân tộc như trải nghiệm ẩm thực, thi chế tác nhạc cụ, dệt thổ cẩm… phục vụ nhân dân và du khách dịp Lễ hội./.
- Từ khóa:
- Đắk Lắk
- địa chỉ đỏ
- giáo dục
- truyền thống
- thế hệ trẻ