Giáo dục

Đắk Lắk tìm lời giải cho "bài toán" học sinh tốt nghiệp lớp 9 chưa được tuyển sinh lớp 10

Đắk Lắk

Trên cơ sở rà soát dự báo số lượng học sinh, các đơn vị có phương án bố trí cho học sinh được học tại các cơ sở giáo dục, Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp trường, trung cấp nghề...

Thí sinh tham dự Kỳ thi vào lớp 10 ở điểm thi Trường Trung học Phổ thông Buôn Ma Thuột.
Ảnh: Nguyên Dung - TTXVN

Trước thực trạng nhiều học sinh tốt nghiệp lớp 9 tại tỉnh Đắk Lắk chưa được tuyển sinh vào lớp 10 tại các cơ sở giáo dục, địa phương đang tìm các giải pháp nhằm giải “bài toán” sắp xếp trường, lớp cho các em.

*Nhiều học sinh chưa được tuyển sinh

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, năm học 2023-2024, tỉnh có hơn 31.000 học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở (tăng 3.000 học sinh so với năm học 2022-2023); trong đó có hơn 28.000 học sinh đăng ký dự tuyển vào các trường trung học phổ thông. Tuy nhiên, số chỉ tiêu được giao cho các trường trung học phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh chỉ hơn 21.000 học sinh. Như vậy, có khoảng 7.000 học sinh không trúng tuyển tại các trường trung học phổ thông công lập.

Hiện số học sinh đã tốt nghiệp Trung học cơ sở dự kiến chưa được tuyển sinh vào lớp 10 (trường trung học phổ thông hoặc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, hoặc tại các trường cao đẳng, trung cấp nghề) là 1.925 học sinh.

Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho biết, năm học 2023-2024 là năm đặc biệt, bởi tỉnh có số học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở tăng đột biến so với các năm học trước. Trong khi đó, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên tại tỉnh mặc dù đã được ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh bố trí đến mức tối đa nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu người học. Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đang tiếp tục thực hiện lộ trình tinh giản biên chế theo quy định trong lúc số lớp, số học sinh tăng và phải thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên số biên chế bổ sung cho cấp Trung học phổ thông không đủ để bố trí giáo viên theo tỉ lệ quy định. Vì vậy, ngành không thể tăng số lớp tuyển sinh vào lớp 10, năm học 2024 - 2025 để tăng tỉ lệ tuyển sinh.

*Tìm giải pháp cho học sinh

Năm học 2023-2024, huyện Krông Pắc có 3.197 học sinh tốt nghiệp lớp 9, trong đó có 2.386 học sinh trúng tuyển các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Hiện còn 929 học sinh tại huyện chưa được tuyển sinh tại các cơ sở giáo dục. Theo bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc, trên địa bàn huyện có những vùng sâu, vùng xa nên các học sinh không thể đi học tại trung tâm giáo dục thường xuyên do quá xa.

Để số học sinh còn lại được tuyển sinh vào lớp 10, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc đề xuất cần điều chỉnh chỉ tiêu của các trường công lập tổ chức thi nhưng điểm chuẩn đạt thấp, chưa tuyển đủ số chỉ tiêu; đồng thời, bổ sung số lớp, số học sinh/lớp. Bên cạnh đó, cả hệ thống chính trị cần vào cuộc để thực hiện tốt việc phân luồng một cách chặt chẽ, đồng bộ, giúp các em xác định được năng lực của mình để chọn trường, đơn vị học phù hợp. Huyện Krông Pắc đang tính toán dạy 2 buổi/ngày, đảm bảo công tác tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025, để không học sinh nào không có trường học.

Ông Y Wem H'wing, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar.  
Ảnh: Nguyên Dung - TTXVN

Ông Y Wem H'wing, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar cho biết, tại địa phương hiện còn 738 học sinh chưa có trường để học. Để giải quyết số học sinh trên, huyện đề xuất UBND tỉnh cho phép Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp mở thêm 16 lớp để đủ chỗ cho các em học với kinh phí 1,6 tỷ đồng. “Nếu chúng ta không có chủ trương, giải pháp căn cơ, rất nhiều em sẽ không được học. Huyện rất mong UBND tỉnh, các sở, ngành quan tâm để huyện Cư M’gar mở thêm 16 lớp nữa để đủ chỗ cho các em học”, ông Y Wem cho biết.

Để giải quyết tình trạng nhiều học sinh chưa có trường để học, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương tăng định mức số lượng học sinh/lớp đối với lớp 10 năm học 2024-2025 lên trung bình 44 học sinh/lớp, cho tất cả các trường Trung học Phố thông công lập trên địa bàn toàn tỉnh (dự kiến khoảng 1.100 chỉ tiêu và không làm tăng số lớp).

Theo ông Khoa, với 1.925 em dự kiến chưa được tuyển sinh vào lớp 10, nếu UBND tỉnh đồng ý chủ trương trên sẽ giải quyết được khoảng 1.100 chỉ tiêu; còn lại hơn 800 em, các trường nghề có thể tiếp nhận. Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh sẽ chỉ đạo các nhà trường hỗ trợ Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp trong việc dạy học nếu các trung tâm mở thêm lớp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđor. 
Ảnh: Nguyên Dung - TTXVN

Bà H’Yim Kđor, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng, phải nhìn nhận thực tế, thực tiễn của các địa phương để tìm giải pháp đồng bộ, hữu hiệu, giải bài toán khó khăn trên. “Trên cơ sở rà soát dự báo số lượng học sinh, các đơn vị cần có phương án bố trí cho học sinh được học tại các cơ sở giáo dục, Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp trường, trung cấp nghề… Quan trọng hơn hết là cần có định hướng hướng dẫn cho phụ huynh hiểu những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải. Bên cạnh đó, quan điểm của tỉnh không để học sinh nào phải ngừng học vì thiếu trường thiếu lớp”, bà H’Yim Kđor cho biết.

Để giải quyết những khó khăn trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỉnh thống nhất với công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo về xin chủ trương tăng định mức số lượng trung bình 44 học sinh/lớp để giải quyết khoảng 1.100 học sinh. UBND tỉnh cũng giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, các địa phương rà soát cơ sở vật chất, Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp, các trường nghề bố trí số học sinh còn lại chưa có trường để học.

Đối với các trường Trung học phổ thông công lập tổ chức thi nhưng điểm chuẩn đạt thấp, chưa tuyển đủ số chỉ tiêu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, các trường không nên hạ điểm chuẩn để nhận đủ chỉ tiêu, không nên xét tuyển theo điểm để bổ sung các chỉ tiêu còn thiếu. Thay vào đó, các trường cần tính toán cụ thể và chuẩn bị kỹ lưỡng các tình huống phát sinh, tạo sự công bằng cho tất cả học sinh.../.

Nguyên Dung

Tin liên quan

Xem thêm