Giai đoạn 2021-2025, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh Cao Bằng, lĩnh vực giáo dục - đào tạo và dạy nghề được bố trí trên 1.188 tỷ đồng; lĩnh vực văn hóa thông tin bố trí trên 437 tỷ đồng.
Ngày 30/8, Đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Cao Bằng về thực hiện chính sách, pháp luật về chi ngân sách địa phương cho sự nghiệp giáo dục-đào tạo và dạy nghề, sự nghiệp văn hóa thông tin.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đánh giá, Cao Bằng là một tỉnh còn nhiều khó khăn nhưng địa phương đã ưu tiên nhiều nguồn lực cho lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, văn hóa thông tin.
Thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục rà soát chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề, văn hóa thông tin. Trong đó, tỉnh cần quan tâm đến những chính sách mới như chương trình dạy học phổ thông mới, với trọng tâm là định hướng nghề nghiệp, đào tạo học sinh hướng tới những thị trường lao động tiềm năng. Từ đó có những chính sách hỗ trợ cho người lao động để được học nghề, nâng cao tay nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường...
Về lĩnh vực văn hóa thông tin, tỉnh tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu thể chế chính sách, nguồn lực phát triển văn hóa; trong đó đặc biệt chú ý đến yếu tố con người, môi trường văn hóa (hạ tầng, thiết chế)...
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội ghi nhận và tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của tỉnh về các chính sách liên quan đến học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh học nghề; những vấn đề liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa...
Theo Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Cao Bằng Hà Ngọc Tú, những năm qua, tỉnh đã chú trọng triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đào tạo, gắn với nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí. Trong đó, quan tâm thực hiện chi ngân sách địa phương phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, dạy nghề, sự nghiệp văn hóa, thông tin.
Giai đoạn 2021-2025, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh, lĩnh vực giáo dục - đào tạo và dạy nghề được bố trí trên 1.188 tỷ đồng; lĩnh vực văn hóa thông tin bố trí trên 437 tỷ đồng.
Giai đoạn 2021-2023, tỉnh chi trên 31 tỷ đồng ngân sách địa phương cho phát triển giáo dục và đào tạo, dạy nghề, sự nghiệp văn hóa, thông tin; huy động được trên 18 tỷ đồng nguồn xã hội hóa cho phát triển giáo dục.
Tỉnh Cao Bằng kiến nghị với Quốc hội chỉ đạo Chính phủ, các Bộ, ngành quan tâm phân bổ thêm kinh phí cho các tỉnh khó khăn về nguồn lực để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh đề xuất Chính phủ xem xét giảm tỷ lệ biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước của tỉnh Cao Bằng thấp hơn 10%; điều chỉnh nâng mức hỗ trợ cho học sinh mua sách, vở và các đồ dùng học tập khác; điều chỉnh nâng mức hỗ trợ tiền ăn, hỗ trợ tiền đi lại đối với người học nghề ngắn hạn...
Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng thảo luận về các vấn đề như: Nguyên tắc tiêu chí, định mức tiêu chuẩn liên quan đến đầu tư các dự án về giáo dục, văn hóa thông tin; nguồn lực đầu tư cho Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; đầu tư xây dựng đề án bảo tồn, phát huy văn hóa; các khu di tích quốc gia đặc biệt; nâng cao định mức đầu tư làng bảo tồn văn hóa.../.