Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng khẳng định, thời gian tới, tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất cho trường học.
TTXVN - Ngày 14/7, tỉnh Hải Dương tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng, tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII là coi giáo dục và đào tạo vừa là mục tiêu, vừa là động lực, nguồn lực và dư địa cho sự phát triển. Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, thời gian tới, tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất cho trường học.
Ông Trần Đức Thắng đề nghị, cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu tiếp tục quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Trung ương và các chương trình của tỉnh về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh việc sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới các cơ sở giáo dục trên địa bàn; khắc phục triệt để tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các địa phương, tạo mọi điều kiện cho đội ngũ này đổi mới, sáng tạo. Cấp ủy, chính quyền các cấp chú trọng đổi mới công tác quản lý giáo dục; coi trọng giáo dục chính trị, tư tưởng; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động giáo dục, kịp thời uốn nắn những mặt hạn chế, góp phần xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh. Các cấp, ngành, địa phương tăng cường huy động nguồn lực xã hội để đầu tư cho giáo dục và đào tạo; thực hiện chính sách phát triển xã hội hóa giáo dục, đặc biệt là chính sách phát triển trường Mầm non tại các khu công nghiệp và các trường Phổ thông tư thục theo xu thế hội nhập quốc tế.
Tại Hội nghị, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai đề nghị, Hải Dương tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền và người dân về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 29-NQ/TW; đồng thời, thể chế hóa quan điểm chỉ đạo giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Tỉnh cần có chính sách đột phá ưu tiên nguồn lực đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, coi đây là nhân tố then chốt nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống, khát vọng cống hiến cho các thế hệ học sinh, sinh viên. Giáo dục Hải Dương cần có sự chuyển động mạnh mẽ thích ứng với tác động sâu rộng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học, bậc học, đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục.
Sau 10 năm triển khai Nghị quyết số 29, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Hải Dương có chuyển biến tích cực về chất lượng, hiệu quả; đáp ứng ngày càng tốt hơn mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu học tập của nhân dân. Hệ thống giáo dục, đào tạo được xây dựng theo hướng giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, gắn với xây dựng xã hội học tập. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng, cơ cấu ngày càng hợp lý. Cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, đào tạo được quan tâm đầu tư, từng bước theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Chất lượng phổ cập giáo dục ngày càng được nâng cao. Chất lượng giáo dục toàn diện và kết quả giáo dục mũi nhọn luôn ở vị trí tốp đầu trong cả nước. Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ngày càng hiệu quả.
Giai đoạn 2020 - 2022, Hải Dương trong tốp 15 tỉnh có kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông tốt nhất. Tỉnh giữ vững vị trí tốp 10 các tỉnh, thành phố về thành tích thi học sinh giỏi quốc gia. Từ năm học 2012 - 2013 đến năm học 2022 - 2023, Hải Dương có 815 học sinh đoạt giải quốc gia và 5 học sinh đoạt giải thi Olympic quốc tế và khu vực. Địa phương có 4 trường Đại học (trong đó có 3 trường do Trung ương quản lý và 1 trường trực thuộc tỉnh là Đại học Hải Dương); 30 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (gồm: 8 trường Cao đẳng, 3 trường Trung cấp, 7 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và 12 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên).
Tổng kinh phí Hải Dương dành cho giáo dục và đào tạo từ năm 2013 đến tháng 3/2023 là 39.197 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là 1.521 tỷ đồng. Kinh phí chi thường xuyên sự nghiệp giáo dục và đào tạo là 37.676 tỷ đồng, chiếm 42% chi thường xuyên ngân sách địa phương và 26% tổng chi ngân sách địa phương.
Dịp này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương đã tặng Bằng khen 11 tập thể và 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 29./.