Chính phủ đánh giá sâu hơn để thấy tác động của Nghị quyết 30 đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, ổn định kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trong đại dịch.
(TTXVN) Sáng 14/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và đề xuất một số cơ chế, chính sách về y tế.
Theo Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày, từ khi được ban hành, Nghị quyết 30 được triển khai khẩn trương cùng với nhiều giải pháp đồng bộ khác nhằm kiểm soát dịch COVID-19, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia...
Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ đánh giá sâu và rộng hơn để thấy tác động của Nghị quyết 30 đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, ổn định kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trong đại dịch và là tiền đề để phục hồi kinh tế - xã hội hậu đại dịch; bổ sung và rà soát số liệu để bảo đảm thống nhất, nhất là số liệu về nguồn lực dành cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; đánh giá nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế và có giải pháp thực hiện cho giai đoạn tới; bổ sung bài học kinh nghiệm rút ra qua quá trình phòng, chống đại dịch COVID-19 để có cơ sở tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện.
Về các kiến nghị của Chính phủ đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội nhất trí với kiến nghị về việc đưa các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch khi kết thúc việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết 30 vào Nghị quyết kỳ họp tới của Quốc hội. Đồng thời, tán thành với kiến nghị của Chính phủ, đề nghị Quốc hội ghi nhận các kết quả đã triển khai thực hiện trong thời gian qua và kết thúc thời hạn hiệu lực của các chính sách này đến hết ngày 31/12/2022 theo đúng quy định của Nghị quyết 30.
Về việc kiến nghị Quốc hội cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, Thường trực Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết của việc cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược, nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng thuốc, ảnh hưởng tới công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, thể hiện sự chia sẻ, đồng hành của Quốc hội với Chính phủ, Bộ Y tế với những khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo vệ, chăm sóc nhân dân và thể hiện nội dung này tại Nghị quyết kỳ họp của Quốc hội.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban thấy rằng, đây chỉ là giải pháp tình thế, trước mắt để khắc phục tình trạng tồn đọng hồ sơ gia hạn thuốc. Chính phủ cần đánh giá đúng bản chất các nguyên nhân và tập trung giải quyết các vấn đề nội tại, tăng cường năng lực cơ quan quản lý Nhà nước để kịp thời giải quyết các hồ sơ gia hạn đăng ký lưu hành thuốc; đánh giá kỹ lưỡng nguồn lực thực hiện để bảo đảm không lặp lại tình trạng tồn đọng một lượng lớn hồ sơ gia hạn thuốc, nguyên liệu làm thuốc chưa được giải quyết như hiện nay.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị tổng kết sâu hơn về việc thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm quốc phòng an ninh, ổn định chính trị, giữ vững trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và vấn đề thực hiện phân cấp cho địa phương áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trong bối cảnh đặc biệt trong 2 năm vừa qua.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, quyết liệt, kiên trì, chủ động, sáng tạo, linh hoạt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; biểu dương tinh thần trách nhiệm, sự cống hiến, hy sinh thầm lặng của đội ngũ nhân viên y tế, cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội cùng đông đảo các lực lượng khác tham gia phòng, chống dịch COVID-19.
Tuy nhiên, việc ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện có lúc, có nơi còn chậm. Y tế cơ sở, y tế dự phòng bộc lộ những mặt yếu, thanh quyết toán chi phí khám chữa COVID-19 còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc thực hiện chính sách, chế độ hỗ trợ đối với lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19 một số nơi chưa kịp thời, thỏa đáng.
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế xảy ra tại nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Chính sách đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động chưa bao quát hết các đối tượng bị ảnh hưởng. Còn có hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch; một số vụ việc gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện báo cáo để có đủ căn cứ thuyết phục Quốc hội xem xét, quyết định.
Đối với đề xuất cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết của đề xuất nhằm giải quyết tồn đọng, xử lý hồ sơ gia hạn thuốc, nguyên liệu làm thuốc, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân./.