Thời sự

Đầu tư hạ tầng giao thông trọng điểm kết nối, thu hút đầu tư vào Vĩnh Phúc

Vĩnh Phúc

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh dự kiến bố trí cân đối ngân sách cấp tỉnh cho đầu tư công lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ gần 12.000 tỷ đồng.

Một góc thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: TTXVN)

TTXVN - Tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm hoàn thiện hạ tầng giao thông nhằm thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp ở các địa phương có nhiều tiềm năng trên địa bàn. Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh có kế hoạch bố trí cân đối ngân sách cấp tỉnh cho đầu tư công lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ gần 12.000 tỷ đồng. Trong số đó, vốn Trung ương giao hơn 10.000 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn đầu tư công địa phương giao bổ sung.

Tổng vốn đầu tư công trong giai đoạn 2021-2025 đã phân bổ cho các công trình, dự án hạ tầng giao thông do cấp tỉnh quản lý đạt gần 4.200 tỷ đồng.

Nhờ nguồn vốn trên, nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn, trọng điểm đã và đang được triển khai, đầu tư với quy mô tương đối hiện đại, đồng bộ và có tính liên thông, liên kết cao giữa các địa phương trong tỉnh với các tỉnh, thành phố khác. Vĩnh Phúc có 5 tuyến đường vành đai đã và đang đầu tư đạt 75% tổng chiều dài theo quy hoạch; 17 tuyến đường tỉnh đã đầu tư nâng cấp lên chuẩn đường cấp III đồng bằng, đạt khoảng 60% tổng chiều dài theo quy hoạch…

Mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 2208/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình đường vành đai 2 vùng phía Tây đô thị Vĩnh Phúc.

Dự án có chiều dài 4,52 km bắt đầu từ điểm giao với dự án đường vành đai 2 vùng phía Tây đô thị Vĩnh Phúc giai đoạn 1 tại ĐT.306 (Km15+042) thuộc địa phận xã Bàn Giản, kết thúc tại điểm giao ĐT.307 (Km2+070) thuộc địa phận thị trấn Hoa Sơn, huyện Lập Thạch. Dự án do UBND huyện Lập Thạch làm chủ đầu tư với tổng số vốn đầu tư hơn 358 tỷ đồng. Thời gian thực hiện và hoàn thành dự án từ năm 2023 - 2026.

Dự án đầu tư xây dựng công trình đường vành đai 2 vùng phía Tây đô thị Vĩnh Phúc khi triển khai và đưa vào sử dụng sẽ hoàn thiện hệ thống đường vành đai vùng phía Tây đô thị Vĩnh Phúc, từng bước khép kín tuyến đường vành đai 4 trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải của tỉnh, kết nối các khu công nghiệp của tỉnh đã hình thành, khu công nghiệp đang xây dựng hoặc quy hoạch; đồng thời kết nối với các tuyến đường giao thông quan trọng khác, tạo tiền đề phát triển kinh tế- xã hội của Vĩnh Phúc.

Dự án khi hoàn thành tạo nhiều cơ hội thuận lợi cho người dân các huyện, các tỉnh lân lận buôn bán, trao đổi hàng hóa, đặc biệt là đông đảo lao động trẻ dễ tìm kiếm việc làm ở các khu công nghiệp đang xây dựng của tỉnh Vĩnh Phúc; trong đó có huyện Sông Lô, Lập Thạch...

UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu UBND huyện Lập Thạch phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng, đảm bảo thi công theo đúng tiến độ./.

PV

Xem thêm