Đầu tư xứng tầm để Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên
Những cơ chế đặc thù sẽ tạo sức bật cho Buôn Ma Thuột phát triển, tạo điểm nhấn riêng biệt của một thành phố năng động, bản sắc trên cao nguyên Đắk Lắk.
Với số phiếu tán thành cao, sáng 15/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Cán bộ, đảng viên, đồng bào các dân tộc thành phố Buôn Ma Thuột cũng như tỉnh Đắk Lắk đều kỳ vọng Nghị quyết này sẽ tạo ra sức bật để thúc đẩy thành phố phát triển mạnh mẽ, sớm đưa Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên theo tinh thần Kết luận 67 của Bộ Chính trị.
Tiến sỹ Nguyễn Duy Thụy, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết: Về mặt vị trí địa lý, thành phố Buôn Ma Thuột là trung tâm của tỉnh Đắk Lắk và vùng Tây Nguyên. Nhưng hiện nay, Buôn Ma Thuột vẫn chưa trở thành trung tâm vùng theo đúng nghĩa, tức là chưa trở thành "đầu tàu" về phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội – con người. Một điều rất rõ ràng là thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung có nhiều tiềm năng song những tiềm năng này mới chỉ ở dạng lợi thế so sánh. Cho nên, để Buôn Ma Thuột thực sự là trung tâm của vùng Tây Nguyên trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, con người thì phải biến những lợi thế so sánh trở thành lợi thế cạnh tranh.
Việc Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết trên là bước tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa Kết luận số 67 của Bộ Chính trị. Nghị quyết góp phần tạo ra nguồn lực cụ thể để đầu tư phát triển thành phố cho xứng tầm. Chẳng hạn, chính sách thu hút đầu tư có nhiều ưu đãi sẽ thu hút được nguồn lực để phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản nhằm gia tăng các giá trị của nông sản chủ lực vùng Tây Nguyên. "Từ ban đầu là yếu tố địa lý, sau đó trở thành những yếu tố khác như địa chính trị, địa kinh tế để rồi trở thành một đô thị trung tâm. Và khi Buôn Ma Thuột trở thành một đô thị trung tâm thì các đô thị khác sẽ trở thành đô thị vệ tinh, tạo ra động lực cho sự phát triển của kinh tế, xã hội, văn hóa và con người vùng Tây Nguyên", Tiến sỹ Nguyễn Duy Thụy kỳ vọng.
Cùng chung niềm tin tưởng, chị Nguyễn Thùy Trang, phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột chia sẻ: Đối với Nghị quyết cơ chế đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột mà Quốc hội vừa biểu quyết thông qua, các đoàn viên, thanh niên trên địa bàn thành phố rất quan tâm và phấn khởi. Đồng thời kỳ vọng những cơ chế đặc thù sẽ tạo sức bật cho thành phố Buôn Ma Thuột phát triển trong thời gian tới, phát triển đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, xứng đáng là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên như mục tiêu mà Kết luận 67 của Bộ Chính trị đã đề ra. Đặc biệt, cơ chế miễn giảm thuế doanh nghiệp, thu hút đầu tư cho thành phố Buôn Ma Thuột sẽ tạo điện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, đầu tư phát triển các lĩnh vực, khơi dậy các thế mạnh của thành phố. Đối với các đoàn viên, thanh niên, đây cũng là thời cơ để các bạn trẻ khởi nghiệp, phát triển kinh tế khi được hưởng các chính sách ưu đãi.
Kỳ vọng sau 5 năm thí điểm cơ chế đặc thù cho Buôn Ma Thuột, thành phố sẽ có bước phát triển đột phá về kinh tế - xã hội, nhất là xây dựng thành phố xanh, sạch, đô thị thông minh; gìn giữ, phát huy tốt bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc, tạo nên những điểm nhấn riêng biệt của một thành phố năng động, bản sắc trên cao nguyên Đắk Lắk.
Ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột phấn khởi cho biết: Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột đã đáp ứng được mong mỏi, kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc của thành phố cũng như cả tỉnh Đắk Lắk. Đây sẽ là cơ sở, là nguồn lực to lớn để thực hiện những nội dung mà Kết luận 67 của Bộ Chính trị đã đề ra. Thành phố Buôn Ma Thuột có chương trình hành động để cụ thể hóa các quyết sách của Trung ương đối với thành phố; trong đó, đặt ra mục tiêu phát triển toàn diện tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của thành phố, trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên theo kết luận của Bộ Chính trị.
Trên cơ sở được bố trí nguồn kinh phí thông qua cơ chế đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột, chính quyền địa phương sẽ ưu tiên tập trung phát triển hạ tầng đô thị, dịch vụ đô thị, an sinh xã hội, ưu tiên đầu tư cho các xã đang xây dựng nông thôn mới, các buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố. Trong đó, tập trung cải tạo các con suối trên địa bàn thành phố, tạo cảnh quan đặc thù cho thành phố xanh, sinh thái và mang bản sắc riêng.
Ông Vũ Văn Hưng cũng kỳ vọng, thông qua cơ chế đặc thù sẽ thu hút được các nhà đầu tư ở các lĩnh vực chế biến nông sản như cà phê… để phát triển chế biến sâu, nâng cao giá trị nông sản, tạo nên giá trị gia tăng cho các loại nông sản của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách ưu đãi các nhà khoa học, đội ngũ trí thức, những tài năng đặc biệt về công tác tại thành phố sẽ tạo nên những chuyển biến trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây đều là những tiền đề quan trọng, tạo động lực mạnh mẽ cho quá trình phát triển của thành phố Buôn Ma Thuột trong thời gian tới.
"Trên cơ sở các cơ chế, chính sách mà Trung ương triển khai, về phía thành phố rất tâm đắc và quyết tâm thực hiện, xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành một đô thị nông nghiệp, sinh thái gắn với phát triển du lịch, đưa thành phố trở thành thành phố cà phê của thế giới. Đây là những nhân tố sẽ góp phần phát triển Buôn Ma Thuột trở thành đô thị xanh, sinh thái, bản sắc", ông Vũ Văn Hưng chia sẻ./.