Đẩy mạnh tương tác giữa các doanh nghiệp với người lao động, thúc đẩy thị trường tuyển dụng
Tỉnh Quảng Ninh chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp…
TTXVN- Để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân, năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu tạo thêm ít nhất 20.000 việc làm cho người lao động.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh yêu cầu, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, xây dựng đề án chi tiết để tham mưu UBND tỉnh thực hiện việc giải quyết việc làm theo mục tiêu đã đề ra trong năm 2023. Trong đó, chỉ rõ được lượng cung cầu lao động trong năm tại các địa bàn, khu vực phát triển của các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, thương mại… và các nhóm đối tượng cần giải quyết việc làm để giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương hoàn thành chỉ tiêu.
Sở tham mưu UBND tỉnh văn bản đề xuất bộ, ngành Trung ương xem xét nâng mức lương cơ sở trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh thực hiện việc thông tin truyền thông và tương tác giữa các doanh nghiệp với người lao động để thúc đẩy thị trường tuyển dụng, tăng cơ hội tạo việc làm cho người lao động và tuyển dụng đối với doanh nghiệp.
Các sở, ngành như Sở Tài chính và Ngân hàng chính sách xã hội tăng cường phối hợp, cân đối nguồn vay vốn, giải ngân đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn tỉnh. Sở Du lịch rà soát, báo cáo UBND tỉnh cụ thể nhu cầu lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp du lịch và đề xuất các chính sách đặc thù để giải quyết các khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thực hiện xây dựng bộ tài liệu thông tin cơ bản và các tiềm năng, lợi thế, cơ chế hỗ trợ, nhu cầu tuyển dụng việc làm của tỉnh từng năm để phát cho thanh niên trước khi lên đường nhập ngũ; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các trường đạo tạo nghề cho quân nhân sau hoàn thành nghĩa vụ.
Ban Quản lý khu kinh tế rà soát, tham mưu cho tỉnh làm việc với các đơn vị đầu tư để có các cơ chế đáp ứng về chế độ, chính sách, tiền lương cho người lao động.
Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp tạo việc làm cho người lao động như: hỗ trợ người dân tiếp cận thuận lợi nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm để thực hiện các mô hình kinh tế là tiềm năng, thế mạnh của địa phương như: trồng thanh long ruột đỏ tại Uông Bí, nuôi thủy sản tại Vân Đồn và Quảng Yên, vườn mẫu cây ăn quả xen cây dược liệu tại Tiên Yên, trồng rừng tại Ba Chẽ… Đồng thời, tỉnh chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp…
Đầu tháng 2/2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh) đã tổ chức sàn giao dịch việc làm tại 4 điểm cầu là Trụ sở chính và 3 chi nhánh (Uông Bí, Cẩm Phả và Móng Cái). Sàn giao dịch đã thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia với nhu cầu tuyển dụng hơn 2.000 lao động vào 143 vị trí việc làm trên toàn tỉnh.
Các ngành nghề cần tuyển dụng gồm: du lịch, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, thương mại, may mặc, xây dựng, kỹ thuật điện, điện tử viễn thông, khai thác khoáng sản, bảo hiểm... với yêu cầu trình độ từ lao động phổ thông đến Đại học, sau Đại học.
Năm 2022, Quảng Ninh đã giải quyết việc làm cho gần 40.000 lượt lao động; trong đó, tạo việc làm tăng thêm cho hơn 13.000 lao động, tập trung chủ yếu vào các khu vực công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm một số vị trí việc; đồng thời, các hoạt động hỗ trợ người đi lao động tại nước ngoài còn hạn chế khiến thị trường việc làm trên địa bàn gặp khó khăn, ảnh hưởng đến đời sống của người lao động./.
- Từ khóa:
- Quảng Ninh
- Đào tạo nghề
- giải quyết việc làm