Nhận định Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có đầy đủ điều kiện để thực hiện hầu hết các chiến lược chuyển đổi số của quốc gia, Thành phố cần đi đầu trong ứng dụng công nghệ, đồng thời thúc đẩy hành lang pháp lý nhằm ứng dụng công nghệ vào cuộc sống.
Ngày 27/12, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực hành chính công và tổng kết trao giải Hội thi Giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên địa bàn Thành phố năm 2022.
Nhận định về tình hình chuyển đổi số tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, Thành phố có một số ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực công. Cụ thể, trong lĩnh vực tư pháp đã có 4 loại hồ sơ hộ tịch của người dân có thể được thực hiện bất kỳ đâu, không phụ thuộc nơi cư trú. Tổng đài 1022 có thể xử lý các phản ánh của người dân theo thời gian thực; công bố hệ thống dashboard giúp chính quyền thành phố ra quyết định dựa trên dữ liệu…
Riêng lĩnh vực ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thành phố đã triển khai một số ứng dụng như chính quyền Quận 1 đã ứng dụng định danh điện tử; Công an Thành phố áp dụng camera AI trong giám sát an ninh, HĐND Thành phố có công cụ để rút ngắn thời gian thẩm tra; nhiều phường đã ứng dụng chatbot, callbot trong giải đáp thắc mắc của người dân...
Theo ông Lâm Đình Thắng, tổng thể chuyển đổi số của Thành phố xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố của cả nước. Hai trong nhiều vấn đề hạn chế của Thành phố trong chuyển đổi số, đó là dữ liệu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Ngoài ra, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên địa bàn, đặc biệt là trong khu vực hành chính công chưa có tính hệ thống, bài bản, đồng bộ. Sở đang phối hợp cùng HĐND Thành phố xây dựng hệ thống "thư ký ảo" phục vụ thẩm tra các tờ trình của HĐND nhằm rút ngắn thời gian và đạt hiệu quả thẩm tra cao hơn.
Phát biểu tại hội thảo, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trí tuệ nhân tạo là một trong những công cụ hàng đầu để tháo gỡ các tắc nghẽn trong khu đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, trong năm 2023, Thành phố xác định chú trọng cải cách hành chính và thúc đẩy đầu tư an ninh, an toàn xã hội. Một trong những trọng tâm là thúc đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao và AI để nâng cao chất lượng quản lý.
Theo ông Dương Anh Đức, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh phải xác định, phân biệt rõ ứng dụng trí tuệ nhân tạo với ứng dụng công nghệ thông tin, từ đó ứng dụng trí tuệ nhân tạo cải tiến năng lực hoạt động các lĩnh vực, nếu không sẽ giống như gắn mác AI lên nền tảng cũ.
Cùng với đó, Sở Thông tin và Truyền thông cần nêu được những vấn đề mấu chốt, bài toán quan trọng, giới thiệu giải pháp tiềm năng để đưa vào sử dụng trong điều hành của hệ thống chính quyền, phục vụ người dân tốt hơn. Trong đó, tập trung 3 vấn đề như nguồn nhân lực, hạ tầng, xác định các bài toán cốt lõi.
Về vấn đề nguồn nhân lực, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, đây là công việc vừa ngắn hạn, vừa dài hạn và có tính chất liên tục, đòi hỏi phải nâng cao đội ngũ cả về quy mô lẫn chất lượng cho lĩnh vực công nghệ thông tin nói chung và AI nói riêng.
Đồng thời, thành phố tập trung xây dựng hạ tầng phần cứng, phần mềm, đưa dữ liệu đưa vào khai thác và tạo ra các giá trị của cải vật chất; thường xuyên nghiên cứu thực tiễn hệ thống chính quyền nêu bài toán cốt lõi, kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, các nhóm nghiên cứu tham gia cùng thành phố đưa ra giải pháp hiệu quả.
Ở góc độ cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, ứng dụng trí tuệ nhân tạo không thể thay thế con người hay trở thành trợ lý trực tiếp mà chỉ giải quyết những công việc lặp đi lặp lại trên diện rộng, thường xuyên hoặc vấn đề con người không thể làm được.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện thế giới chia AI thành 2 nhóm rộng và hẹp. Trong đó, AI diện rộng hướng đến phát triển, tích lũy thông tin và suy nghĩ đưa ra giải pháp, nhưng hướng tiếp cận này chưa phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Thay vào đó, Việt Nam chọn AI diện hẹp, tức là ứng dụng các kỹ thuật của AI trong chuyên môn để giải quyết vấn đề xã hội, hỗ trợ thêm cho con người.
Nhận định Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có đầy đủ điều kiện để thực hiện hầu hết các chiến lược chuyển đổi số của quốc gia, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng, Thành phố cần đi đầu trong ứng dụng công nghệ, đồng thời thúc đẩy hành lang pháp lý nhằm ứng dụng công nghệ vào cuộc sống.
Dịp này, Ban tổ chức đã trao 13 giải (1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 4 giải Ba và 7 giải Khuyến khích) cho các đội thi xuất sắc tham gia Hội thi Giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022. Trong đó, giải Nhất thuộc về nhóm sinh viên Helios (Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).
Hội thi Giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo năm 2022 thu hút hơn 1000 thí sinh với 210 đội đến từ hơn 40 đơn vị trên cả nước đăng ký tham dự ở nhóm 1 (AI Challenge) và 29 sản phẩm, giải pháp tham gia ở nhóm 2 (AI Solution)./.
- Từ khóa:
- ứng dụng trí tuệ nhân tạo
- hành chính công