Huyện tập trung thực hiện Đề án “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa”, đưa du lịch Cô Tô xứng tầm là “viên ngọc xanh” giữa biển trời Đông Bắc.
Huyện Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) triển khai nhiều biện pháp nhằm cải thiện môi trường du lịch, nâng cao chất lượng, dịch vụ hướng tới phát triển sản phẩm du lịch theo định hướng bền vững, lâu dài, bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Trong đó, huyện tập trung thực hiện Đề án “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa”, đưa du lịch Cô Tô xứng tầm là “viên ngọc xanh” giữa biển trời Đông Bắc.
Trong chiến lược phát triển bền vững, huyện Cô Tô đã xây dựng Quy hoạch đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 phát triển trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí đặc sắc về văn hóa, sinh thái biển, đảo của Quảng Ninh và vùng ven biển vịnh Bắc Bộ. Huyện liên kết với các huyện Cẩm Phả, Vân Đồn trở thành vùng du lịch Bái Tử Long - Vân Đồn - Cô Tô - một trong hai điểm đột phá về du lịch của Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2030; kết nối chặt chẽ với các địa phương Vân Đồn, Hạ Long, Móng Cái để tạo ra một chuỗi sản phẩm du lịch biển đảo cao cấp, độc đáo, khác biệt.
* Không có rác thải nhựa
Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng và ban hành Quyết định số 175-QĐ/HU, ngày 4/6/2021 phê duyệt Đề án “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa”, với phương châm vừa thực hiện, vừa nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm và tiếp thu ý kiến phản hồi của các tổ chức, cá nhân, khách du lịch.
Từ tháng 8/2022, huyện đảo Cô Tô đã tuyên truyền, khuyến khích du khách và người dân không sử dụng túi nylon và đồ nhựa một lần trên đảo, sau một năm thử nghiệm mang lại nhiều kết quả tích cực. Từ 15/9/2023, huyện Cô Tô cấm du khách mang đồ nhựa dùng một lần lên các đảo.
Để triển khai quy định này, Công an huyện Cô Tô và Bộ đội Biên phòng lập chốt kiểm soát tại cảng Cô Tô. Các đơn vị vận tải, tàu khách, dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú vừa phổ biến quy định vừa thay thế đồ nhựa bằng các đồ có chất liệu thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, các cấp, ngành cùng vào cuộc tuyên truyền.
Thời gian đầu huyện tăng cường nhắc nhở, tuyên truyền cho du khách và người dân hiểu. Sau đó, người dân và chính quyền cùng phối hợp để dọn rác thải định kỳ ở những bãi tắm, đường giao thông, thu gom nước thải để xử lý giúp vùng biển đảo Cô Tô ngày càng trong sạch. Hoạt động này giúp nâng cao nhận thức của người dân và du khách trong việc bảo vệ môi trường; thay đổi hành vi, thói quen trong việc quản lý, sử dụng rác thải nhựa. Đồng thời, hoạt động góp phần ngăn chặn, hạn chế tối đa việc phát sinh rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường, từng bước khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
Thị trấn Cô Tô đã rà soát, kiện toàn, bổ sung lại thành viên của 40 Tổ tự quản vệ sinh môi trường tại 4/4 khu dân cư, đồng thời mỗi thứ 5 hàng tuần đều ra quân dọn vệ sinh môi trường trên địa bàn. Thị trấn phối hợp với Ban Quản lý dịch vụ công ích huyện thành lập 1 Tổ liên ngành tại cảng Cô Tô để kiểm soát việc không mang túi nylon và đồ nhựa khi đến đảo; chỉ đạo các khu tuyên truyền, vận động nhân dân, cán bộ, công chức tự trang bị thùng rác 2 ngăn để phân loại rác ngay tại nguồn.
Thị trấn thành lập mô hình “biến rác thành tiền”, “hố ủ phân hữu cơ”; phối hợp với cơ quan, đơn vị triển khai 8 lượt tuyên truyền, ký cam kết các phương tiện tàu thuyền không xả rác xuống biển. Trong năm 2023, thị trấn Cô Tô tổ chức 38 buổi ra quân dọn vệ sinh môi trường tại bãi biển, các điểm công cộng trên địa bàn; tổ chức cho 100% tiểu thương ký bổ sung trong điều khoản hợp đồng hạn chế sử dụng túi nylon, chai nhựa dùng một lần…
Nhờ những cách làm trên, môi trường biển ở Cô Tô được cải thiện, một số loại động vật quý hiếm như rùa biển, cá heo xuất hiện gần bờ sau nhiều năm vắng bóng. Môi trường biển được tái sinh, nhiều rạn san hô bắt đầu sinh trưởng tốt.
Anh Hoàng Văn Hải, du khách từ Hà Nội chia sẻ, đây là lần thứ 2 gia đình đến với Cô Tô. Do đã được tuyên truyền từ trước và ngay khi bước xuống bến tàu cũng được nhắc nhở nên gia đình không mang theo chai nhựa hay túi nylon, đồ nhựa dùng một lần. Đây là việc làm rất ý nghĩa nhằm bảo vệ môi trường du lịch. Do đó biển Cô Tô vẫn giữ được môi trường trong sạch, không khí trong lành. Gia đình tôi sẽ quay lại Cô Tô nhiều lần nữa.
* Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động
Trong chiến lược phát triển bền vững, huyện Cô Tô đã xây dựng Quy hoạch đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 phát triển trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí đặc sắc về văn hóa, sinh thái biển, đảo của Quảng Ninh và vùng ven biển vịnh Bắc Bộ. Huyện liên kết với các huyện Cẩm Phả, Vân Đồn trở thành vùng du lịch Bái Tử Long - Vân Đồn - Cô Tô - một trong hai điểm đột phá về du lịch của Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2030; kết nối chặt chẽ với các địa phương Vân Đồn, Hạ Long, Móng Cái để tạo ra một chuỗi sản phẩm du lịch biển đảo cao cấp, độc đáo, khác biệt.
Huyện Cô Tô đang quan tâm đầu tư nhà máy xử lí rác thải, hệ thống xử lí nước thải và các hoạt động bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh nguồn nước, hạ tầng giao thông; các bãi đỗ xe, nhà chờ cho hành khách, hệ thống nhà vệ sinh công cộng; cải thiện, trùng tu di tích, dịch vụ ẩm thực và lưu trú nhằm đáp ứng tốt hơn những nhu cầu của khách du lịch.
Huyện tăng cường xử lý các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức không chấp hành nghiêm việc phân loại rác và hạn chế sử dụng túi nylon khó phân hủy. Các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân có thói quen sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường, có ý thức phân loại rác thải ngay tại hộ gia đình, hưởng ứng việc thu gom, vệ sinh môi trường, thực hiện các đợt tổng vệ sinh môi trường trên địa bàn quản lý, các khu vực công cộng và tại các hộ dân.
Huyện Cô Tô yêu cầu các cơ sở kinh doanh lưu trú thực hiện việc không dùng túi nylon, ống hút nhựa, từng bước thay thế chai nhựa trong phòng nghỉ; kiên quyết không thẩm định, cấp phép cho các cơ sở lưu trú không thực hiện nội dung bảo vệ môi trường và đề án “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa”; khuyến khích phát triển các sản phẩm du lịch xanh, bố trí thùng rác hai màu tại các điểm công cộng phù hợp để phục vụ công tác thu gom…/.