Môi trường

Để học sinh cùng hành động bảo vệ môi trường và đại dương xanh

Khánh Hòa

Bin with Benefits là tổ hợp nhiều dự án thành phần; trong đó có máy thu gom rác thông minh với thiết kế tương tự như một cây ATM

Nhà sáng lập Bin with Benefits Đặng Nhật Uyên hướng dẫn cho học sinh nhận biết về các loại rác nhựa. 
Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Dự án phi lợi nhuận Bin with Benefits (Dự án thùng rác đa năng) do nhà sáng lập Đặng Nhật Uyên (sinh năm 2000, cựu sinh viên Trường Đại học Nha Trang) cùng cộng sự thực hiện tại các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) được các học sinh hưởng ứng nhiệt tình, góp sức bảo vệ môi trường và đại dương xanh.

Sáng 20/5, trong buổi chào cờ đầu tuần của Trường Tiểu học Xương Huân 2 (thành phố Nha Trang), Chương trình giao lưu, tuyên truyền giáo dục với nhiều câu chuyện ý nghĩa do Nhật Uyên dẫn dắt, từ chú rùa bị mắc kẹt do dị vật khiến chú rùa bị đau đớn, cho đến câu chuyện phân loại rác tại nguồn đã giúp các học sinh tò mò về dự án Bin with Benefits.

Bin with Benefits là tổ hợp nhiều dự án thành phần; trong đó có máy thu gom rác thông minh với thiết kế tương tự như một cây ATM. Khi đưa vỏ chai nhựa dưới 1 lít đã được sử dụng vào, máy thu gom rác sẽ tự động đưa vào bên trong thành công. Theo Nhật Uyên, đây là cải tiến mới nhất để phù hợp với việc đưa máy thu gom rác đến tuyên truyền trong trường học. Trước đó năm 2022, máy đã có phiên bản thu gom chai nhựa, sau đó người dùng quét mã QR sẽ được kết nối đến fanpage của Dự án và được các thành viên hỗ trợ bằng các phần quà hoặc sách, vở. Hiện tại, Dự án sẽ đặt máy 1 tuần tại Trường Tiểu học Xương Huân 2 để các học sinh cùng hành động, thu gom rác vô cơ và tái chế. Số rác thải nhựa thu được, quy đổi thành quỹ và số tiền này sẽ được gửi tới Quỹ Bảo tồn Rùa Quốc gia.

Chị Đặng Nhật Uyên giới thiệu về Dự án phi lợi nhuận Bin with Benefits (Dự án thùng rác đa năng) tại trường Tiểu học Xương Huân 2, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. 
Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Theo Nhật Uyên, vòng đời rác thải nhựa kéo dài, gây nguy hại cho môi trường. Hiện nay, phương án chôn lấp, đốt rác được sử dụng khắp nơi và về lâu dài cũng ảnh hưởng lớn đến môi trường. Nếu việc chôn lấp không được đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm. Tương tự, việc đốt rác sẽ ảnh hưởng đến không khí. Các nhà khoa học đang nghiên cứu và tìm giải pháp tốt cho việc này. Trước mắt, mỗi người dân sống trên hành tinh trái đất, việc có thể làm hàng ngày rất đơn giản; đó là mỗi người cần nói không với bao ni lông, sử dụng hạn chế sản phẩm từ chai nhựa hoặc tái chế rác thải hợp lý…

Đối với các học sinh, ở lứa tuổi dễ “uốn nắn”, việc nhận thức đúng đắn, thói quen tốt trong việc bảo vệ môi trường rất quan trọng. Các em hiểu đúng và thực hành tốt; từ đó, lan tỏa hành động trong bạn bè, người thân và gia đình, góp phần bảo vệ môi trường xanh. Nhiều em đã chủ động cân nhắc trước khi sử dụng các đồ nhựa một lần; hạn chế và thay thể đồ nhựa một lần bằng những đồ dùng thân thiện dùng được nhiều lần như: ly nước riêng, hộp cơm riêng, dùng túi vải đi mua sắm…

Sau buổi giao lưu, em Minh Chi (học sinh lớp 4/1, Trường Tiểu học Xương Huân 2) đã vui vẻ kể lại 4 nguyên tắc giảm thiểu rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường như: Từ chối, giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng rác thải. Sau buổi giao lưu, em sẽ kể lại câu chuyện trên trường cho bố mẹ nghe và sẽ thực hành mang túi vải mua sắm khi đi siêu thị cùng gia đình.

Cậu học trò nhỏ Hoàng Ân (lớp 2/1, Trường Tiểu học Xương Huân 2) cầm món quà từ Chương trình trên tay khẳng định: “Chúng em là những đại sứ bảo vệ đại dương sau này. Sau buổi chào cờ hôm nay, em sẽ mang lên trường những đồ vật nhựa tái chế được để đặt vào máy thu gom rác thông minh. Các cô chú đến thu gom rác sẽ có tiền quỹ để ủng hộ, bảo vệ những chú rùa ở ngoài đại dương cũng như tạo môi trường sống tốt cho nhiều động vật trên biển”.

Nhật Uyên mong muốn, thông qua hoạt động này, xã hội sẽ quan tâm hơn nữa về vấn đề bảo vệ môi trường, nhất là các bậc phụ huynh. Qua đó, phụ huynh học sinh sẽ có những hành động “đẹp” trong việc phân loại rác tại nguồn để các em nhỏ theo học. Bởi chính các em là những đại sứ bảo vệ môi trường hiện nay và trong tương lai.

Thầy Đoàn Phước Thọ, giảng viên Khoa Kỹ thuật giao thông, Trường Đại học Nha Trang nhìn nhận, với Trường Đại học Nha Trang, việc nghiên cứu về lĩnh vực thủy sản từ lâu đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của nhà trường. Trên thế giới đã báo động về việc ô nhiễm vi nhựa trong nguồn thực phẩm của con người. Nếu không có những phương án tốt nhất để hạn chế việc xả thải rác nhựa, trong tương lai, chính con người sẽ phải hứng chịu lại hậu quả của do tác động của môi trường gây ra cho sức khỏe. “Chúng tôi hy vọng, với hành động nhỏ bằng việc thu gom, tái chế rác thải nhựa của Nhật Uyên đang làm sẽ góp phần giúp thay đổi nhận thức của người dùng, đặc biệt là các em thiếu nhi về các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và cách phân loại rác tại nguồn; đồng thời, tạo động lực để sinh viên của nhà trường có những sáng kiến và hành động thiết thực để bảo vệ môi trường”, thầy Đoàn Phước Thọ chia sẻ.

Dự án của Nhật Uyên đã được nhiều đơn vị quan tâm và đã được chọn vào tốp 8 sáng kiến xuất sắc nhất trong chương trình "Đại sứ Gen G” nằm trong khuôn khổ chiến dịch “Cùng Gen G sống xanh đi - Sống xanh giảm nhanh Carbon”. Từ kết quả của Chương trình trên, Nhật Uyên sử dụng nguồn Quỹ được cấp của "Đại sứ Gen G” tiếp tục lan tỏa Dự án cá nhân Bin with Benefits đến các trường học. Dự án đã đến với 4 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và sẽ tiếp tục được triển khai trong năm học tới tại các trường tiểu học của thành phố Nha Trang.

Anh Chu Minh Phương, Quyền Bí thư Thành đoàn Nha Trang cho biết, Dự án của Đặng Nhật Uyên thực hiện thời gian qua trên địa bàn các trường học đã được các học sinh, Hội đồng Đội của các trường tiếp nhận và hưởng ứng nhiệt tình. Những buổi tuyên truyền ngoại khóa đã giúp các em hiểu và làm tốt hơn công tác bảo vệ môi trường sống cũng như đại dương xanh. Thời gian tới, Thành đoàn mong muốn cùng đồng hành với Dự án Bin with Benefits để có những chương trình giáo dục cho trẻ thơ hấp dẫn, hiệu quả hơn.../.

Phan Thị Sáu

Xem thêm